Bốn đảo chụp được từ vệ tinh là Đá Chữ Chập (Fiery Cross Reef), Đá Subi (Subi Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và đá Gạc Ma (Johnson’s Reef), mà Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp và quân sự hóa.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các đảo nhân tạo này đang tàn phá các rạn san hô với tốc độ đáng báo động, mà đây lại là những rạn san hô có tính đa dạng sinh thái nhiều nhất trên thế giới.
Sau khi phân tích các hình ảnh vệ tinh của CSIS, Giáo sư John McManus – một chuyên gia hàng đầu thế giới về sinh thái biển thuộc Đại học Miami (Mỹ) nhận xét rằng, việc mất đi một diện tích san hô rộng lớn ở Biển Đông chỉ trong thời gian ngắn do hoạt động xây dựng đảo nhân tạo là sự mất mát nhanh nhất trong lịch sử nhân loại.
Hiện Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo trên. Trong tuần này, các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy là Bắc Kinh đang xây một đường băng thứ ba trên một đảo được bồi đắp và sẽ mở rộng tầm hoạt động của không quân Trung Quốc trong vùng Biển Đông.
Theo báo Anh, trong cuộc chạy đua nhằm khẳng định chủ quyền, các nước tranh chấp ở Biển Đông đã nạo vét, bồi đắp các đảo để xây trên đó các đường băng, đồn bốt và cả những thị trấn nhỏ, gây nguy hại cho các hệ sinh thái biển vốn mang tính thiết yếu trong việc duy trì trữ lượng thủy sản và tính đa dạng sinh học.
Giáo sư Terry Hughes – một chuyên gia về san hô, cảnh báo rằng hơn 20 đảo đá ở Trường Sa có dấu hiệu tổn hại sinh thái nghiêm trọng. Tình trạng này, theo ông, sẽ gây tác hại cho ngành ngư nghiệp ở khu vực các đảo đó, cũng như toàn bộ Biển Đông nói chung.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, Biển Đông chiếm 10% trữ lượng cá của toàn cầu. Các rạn san hô là nơi trú ẩn của các loại cá có giá trị kinh tế cao trong chu kỳ sinh sản của chúng và như vậy là có vai trò quan trọng trong việc duy trì nguồn lợi thủy sản./.
Ý kiến ()