Thứ Tư, 27/11/2024 11:03 (GMT +7)

Đào tạo không phù hợp với thực tế, sinh viên mất gần 8 tháng mới tìm được việc

Thứ 3, 17/01/2017 | 11:28:00 [GMT +7] A  A

Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học trung bình cần khoảng 7,3 tháng để tìm công việc đầu tiên cảm thấy ổn định.

Sinh viên thăm quan mô hình khởi nghiệp của doanh nghiệp Start-up do Trung tâm hỗ trợ và phát triển Sinh viên Việt Nam tổ chức

Theo Tổ chức lao động thế giới (ILO), quá trình chuyển tiếp từ trường học đến nơi làm việc của thanh niên Việt Nam còn nhiều bất cập. Cụ thể, giữa kiến thức học với yêu cầu công việc của các thanh niên Việt Nam từ 15 đến 29 tuổi, còn khoảng cách khá xa. Chính vì vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học trung bình cần khoảng 7,3 tháng để tìm công việc ổn định đầu tiên.

Được Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2015 với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), kết quả điều tra mới được công bố cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa trình độ học vấn và thời gian chuyển tiếp sang thị trường lao động của thanh niên. Lao động có trình độ trung học phổ thông cần thời gian trung bình là 17,8 tháng để tìm được công việc đầu tiên mang tính ổn định.

Điều tra cũng chỉ ra rằng 26% lao động trẻ có trình độ học vấn cao hơn yêu cầu công việc mà họ đang làm. Đồng thời, 23,5% lao động trẻ có trình độ thấp hơn yêu cầu trong công việc.

Theo kết quả điều tra, gần hai phần ba sinh viên trong năm 2015 cho biết thích làm việc trong khu vực nhà nước, nguyên nhân là do ổn định. Khảo sát cũng chỉ ra những lao động trẻ có việc làm nhưng chất lượng việc làm không đảm bảo vẫn đang là rào cản lớn để Việt Nam cải thiện năng suất lao động.

Mặc dù đa số lao động trẻ (58,6%) làm công việc được trả lương nhưng hơn một phần ba thanh niên vẫn làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự làm hoặc lao động làm cho gia đình không được trả lương; và gần một nửa thanh niên làm việc được trả lương nhưng không có hợp đồng bằng văn bản.

Khoảng 80% lao động trẻ làm các công việc phi chính thức – nhữngcông việc thiếu tiếp cậnb ảo trợ xã hội và sự bảo vệ về pháp luật căn bản, cũng như các quyền lợi của người lao động.

“Tuy Việt Nam không có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ở mức báo động như nhiều nước khác, việc đảm bảo việt làm chất lượng cho thế hệ trẻ vẫn là thử thách lớn của đất nước. Nhiều lao động trẻ đang ở trong tình trạng không được bảo vệ ở nơi làm việc, đồng thời nhiều người khác cũng không tìm được những kiến thức, kỹ năng phù hợp từ ghế nhà trường để làm việc trong thị trường lao động hiện tại”, đại diện Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết.

Điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của ILOđược thực hiện tại 53 quốc gia từ năm 2012 đến 2016 và khảo sát hai lần tại một số nước. Tại Việt Nam,đợt đầu tiên được thực hiện trong năm 2012-2013 với mẫu khảo sát hơn 2.700 thanh niên và đợt thứ hai trong năm 2015 với hơn 2.200 mẫu khảo sát.

Tin, ảnh: XC- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu