Thứ Tư, 27/11/2024 07:43 (GMT +7)

Đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Thứ 4, 07/10/2020 | 08:35:00 [GMT +7] A  A
Đã đăng vào 07/10/2020 lúc 8:35

Với mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN và là một trong số ít quốc gia và vùng lãnh thổ đạt mức tăng trưởng dương trên thế giới.

Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, đúng hướng của Chính phủ trong từng tình huống, thời điểm, từ đó tạo nên sức bật và động lực cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và năm 2021.

Những con số biết nói

Với mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN. Ảnh minh họa: TTXVN

Với con số xuất siêu 9 tháng đạt gần 17 tỷ USD, các chuyên gia kinh tế cho rằng, xuất khẩu sẽ là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế cuối năm nay. Cùng với đó, sau hơn 2 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực đã có gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi các nước EU đã được cấp. Các mặt hàng được cấp mẫu này chủ yếu gồm: giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan, nông sản, hàng điện tử…

Chỉ tính riêng tháng 8/2020, khi Hiệp định EVFTA được thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7/2020. Đến tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh lên 14,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Bộ Công Thương, ngoài thị trường EU, trong 9 tháng đầu năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 54,73 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp đến là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tính chung 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Điểm nổi bật là khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tạo động lực cho sự tăng trưởng xuất khẩu với kim ngạch đạt 71,4 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ sự phực hồi khả quan của nhu cầu quốc tế và hiệu ứng tích cực của Hiệp định EVFTA. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ chốt đã tăng trở lại như: gỗ tăng 12,4%, gạo tăng 12%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 2,8%. Một số mặt hàng xuất khẩu giảm ít hơn mức giảm mạnh của 8 tháng trước như: dệt may giảm 10,3%, điện thoại và linh kiện giảm 5,5%, cà phê giảm 1%, thủy sản giảm 3%.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, trong các ngành, lĩnh vực có đóng góp chính cho tăng trưởng 9 tháng đầu năm phải kể đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, ngành bán buôn và bán lẻ cũng đóng góp tích cực cho tăng trưởng với mức tăng 4,98% so với cùng kỳ năm 2019.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bán lẻ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát sẽ có nhiều thay đổi; đồng thời, dịp lễ, Tết đang đến gần nên dự báo nhu cầu hàng hóa sẽ tăng cao. Hơn nữa, thương mại điện tử sẽ không lấy mất thị phần của hệ thống bán lẻ truyền thống mà là điểm cộng cho nhà bán lẻ biết nắm bắt thời cơ.

Một khu vực cũng đóng góp lớn cho tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2020 là nông nghiệp. Mặc dù chịu tác động kép do khó khăn đầu ra xuất khẩu, thiên tai khắc nghiệt, nhưng ngành nông nghiệp đã có sự phục hồi tích cực, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung, cao hơn mức đóng góp 4% của cùng kỳ năm 2019.

Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, mặc dù trong 9 tháng lĩnh vực nông nghiệp tăng 1,84%, thấp hơn mức tăng 2,02% của cùng kỳ năm 2019, song cải thiện so với mức tăng 1,19% của 6 tháng đầu năm nhờ các biện biện pháp ứng phó kịp thời với thiên tai và dịch bệnh.

“Trong bối cảnh các động lực của nền kinh tế là công nghiệp – xây dựng – dịch vụ chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, khu vực nông nghiệp là bệ đỡ vững chắc cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV khẳng định.

Giải ngân vốn đầu tư cũng là một trong những động lực tăng trưởng GDP năm 2020 và các năm tiếp theo bởi 9 tháng đầu năm 2020 đạt 303.000 tỷ đồng, bằng gần 60% kế hoạch năm và tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng cao nhất nhất trong 5 năm qua, tạo sự hỗ trợ, lan tỏa cho nhiều khu vực kinh tế vốn đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đặc biệt, mới đây tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Bình Thuận và Đồng Nai đã đồng loạt khởi công 3 dự án lớn thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông có tổng vốn đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng và dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022. Với chiều dài 654 km gồm 11 dự án thành phần, dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ từng bước hoàn thiện kết cấu giao thông đồng bộ, góp phần kết nối các trung tâm kinh tế, nhất là 3 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.

Cùng với đó, các ngành tài chính, ngân hàng cũng có xu hướng phục hồi, tạo tiền đề quan trọng cho quý IV và cả năm 2020.

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của dịch COVID-19, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tới tinh thần “tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước”.

“Nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V. Cùng với đó, tăng trưởng trong quý III đạt 2,62% là cơ sở để nhận định rằng chúng ta có thể tăng trưởng dương trong năm 2020”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Ngành da giày được hưởng nhiều lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do. Ảnh: TTXVN

Thực tế cho thấy, những thành công trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế của Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới ghi nhận. Nhiều Tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và mới đây là Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings đã đưa ra những dự báo khả quan với nhận định: Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phục hồi tăng trưởng khá nhất trong khu vực Đông Nam Á và là nền kinh tế duy nhất có thể tăng trưởng dương trong năm nay. Năm 2021, ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 8,1%, S&P dự báo Việt Nam tăng trưởng 11,2%.

Các Tổ chức quốc tế cũng cho rằng, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế đất nước phục hồi. Việt Nam có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn hay nền kinh tế sẽ được thúc đẩy nhờ thương mại và sản xuất.

Với tinh thần tự lực, tự cường và nắm bắt cơ hội kinh tế thế giới phục hồi sau dịch, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt từ 2,5 đến 3%, dự kiến năm 2021 đạt 6,7%.

Để đạt được mục tiêu trước mắt trong quý cuối cùng của năm và năm 2021, theo Viện Đào tạo và nghiêu cứu BIDV, những động lực cho tăng trưởng chính của Việt Nam theo hướng tập trung chủ yếu vào khu vực nông nghiệp; đồng thời, công nghiệp chế biến, chế tạo trong các ngành sản xuất thiết bị điện tử, máy tính, điện thoại di động, sản xuất và lắp ráp ô tô vẫn sẽ là động lực cho tăng trưởng khu vực công nghiệp nói riêng và tăng trưởng nói chung. Sản xuất – xuất khẩu nông sản và thiết bị điện tử, điện thoại, máy vi tính có thể bù đắp cho khó khăn đối với những ngành vốn là thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, da giày do suy giảm cả nguồn cung và cầu từ các đối tác quốc tế.

Theo bà Phó Thị Kim Chi, Phó trưởng ban Dự báo Kinh tế vĩ mô, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo năm 2021, với nền tảng vĩ mô khá ổn định và được đánh giá cao trong kiểm soát và đối phó với dịch bệnh, Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và kinh doanh quốc tế. Đây là một yếu tố quan trọng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và xung đột thương mại có thể đẩy nhanh quá trình dịch chuyển vốn sang các thị trường tiềm năng.

Việc tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA cũng là điều kiện để Việt Nam có thể mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Nhận định về xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng, xu hướng này đem đến cho Việt Nam cơ hội mới. Tuy nhiên, Việt Nam cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao để thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian tới, những khó khăn, thách thức vẫn còn hiện hữu như dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cảnh báo về rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền lớn, trong khi khả năng hấp thụ còn yếu có thể dẫn đến “bong bóng” tài chính cũng như ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch vụ chịu tác động lớn và phục hồi chậm…, hơn lúc nào hết đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp có sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại, mở cửa nhưng phải có sự kiểm soát và đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với cả hệ thống chính trị trong bối cảnh hiện nay.

Thu Hạnh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/dau-la-dong-luc-cho-tang-truong-kinh-te-viet-nam-20201006161632336.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu