Tất cả chuyên mục

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính, các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh chủ động đầu tư công nghệ nhằm nâng cao giá trị hạt gạo. Trong đó, phải kể đến vai trò tích cực của Chương trình khuyến công hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất sản phẩm từ nông sản.
Tại doanh nghiệp này, bên cạnh tiêu thụ nội địa, hoạt động xuất khẩu chiếm khoảng 60% doanh số, tập trung cho các thị trường cao cấp như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản. Do đó, với các loại sản phẩm tiêu biểu như nếp, gạo thơm, gạo đặc sản, chất lượng là tiêu chí được quan tâm hàng đầu.
Ông Nguyễn Nhựt Quang – Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Gia Nhựt Quang, huyện Thủ Thừa cho biết: “Công ty chú trọng rất nhiều vào hệ thống nâng cao công nghệ sản xuất của máy móc nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu ngày một khó khăn. Cũng nhờ chính sách của Bộ Công Thương cũng như Sở Công Thương hỗ trợ rất nhiều, doanh nghiệp cũng định hướng tăng khoảng 20% doanh số xuất khẩu so với cùng kỳ”.
Đây là hệ thống sàng tạp chất, tổng kinh phí đầu tư hơn 730 triệu đồng; trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng để đơn vị ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản.
Ông Nguyễn Ngọc Nhàn – Bí thư Đảng ủy xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa nhấn mạnh: “Địa phương rất vui mừng và phấn khởi khi được lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Sở Công Thương cũng đã quan tâm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất. Tôi thấy đây là việc làm rất ý nghĩa nhằm giúp cho công ty TNHH Hoàng Gia Nhựt Quang nói riêng và các doanh nghiệp nói chung để áp dụng những tiến khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.
Đối với xây xát truyền thống, đa số nhà máy sử dụng sàng đơn, chỉ lọc được một số tạp chất kích thước lớn. Riêng hệ thống này là thủy động học, có thể lọc sạch cả tạp chất lẫn lúa lép, kim loại,... So với hệ thống cũ, máy mới cho năng suất cao hơn 20 - 40%, công nghệ tự động, quy trình khép kín, hạn chế bụi ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời tiết kiệm điện năng và giảm từ 40 - 60% chi phí lao động.
Ông Nguyễn Nhựt Quang – Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Gia Nhựt Quang, huyện Thủ Thừa thông tin thêm: “Đầu tiên sẽ tăng được hiệu suất là sấy lúa, bình thường đối với những sàng cũ thì chỉ sấy được trong vòng 24 tiếng thì mới khô một mẻ lúa, sàng mới sau khi tách tạp chất này ra, nó sẽ sấy khoảng 18 – 19 tiếng thì xong một mẻ lúa. Thứ nhất là giảm chi phí điện, thứ hai khi lúa vô hệ thống xay xát thì không còn lẫn tạp chất giống như là sạn, đá, sắt thép, ảnh hưởng tới hệ thống xay xát, gây lủng lưới…”
Ngoài hệ thống sàng tạp chất, trước đây, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại - Sở Công Thương còn hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo với Đề án đầu tư máy tách màu gạo và phễu dưới đi kèm máy, qua đó đáp ứng yêu cầu về chất lượng, gia tăng giá trị hạt gạo xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thanh Thủy – Bảo Phúc
Ý kiến ()