VOV.VN – Một nhà nghiên cứu Campuchia đã viết bài phân tích thực trạng đầu tư của Trung Quốc ở Campuchia và mối quan ngại về tác động dữ dội từ sự đầu tư này.
Dưới đây là phần dịch bài viết của nhà nghiên cứu người Campuchia Kimkong Heng về vấn đề này (bản gốc tiếng Anh được đăng trên tờ Nikkei Asian Review – một ấn phẩm tiếng Anh của tờ báo tài chính Nikkei lớn hàng đầu thế giới):
Thập kỷ qua chứng kiến một làn sóng ồ ạt chưa từng có tiền lệ của đầu tư Trung Quốc cũng như du khách Trung Quốc đổ vào Campuchia. Nguồn vốn và lượng lớn du khách Trung Quốc này đã tác động mạnh cả theo chiều thuận và nghịch đối với nền kinh tế Campuchia cũng như sự gắn kết trong xã hội nước này.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc đã tác động mạnh vào chính trị nội bộ cũng như chính sách đối ngoại của Campuchia, đồng thời tạo ra những thay đổi sâu rộng đối với môi trường và văn hóa-xã hội quốc gia Đông Nam Á này.
Trải nghiệm của Campuchia với các nguồn đầu tư từ Trung Quốc cung cấp nhiều bài học quý giá cho các nước Đông Nam Á khác.
Công dân Trung Quốc được cho là sở hữu tới hơn 90% doanh nghiệp ở Sihanoukville. Ảnh: Getty.
Bước ngoặt 2010
Mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc tăng tốc sau khi 2 nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2010. Trọng tâm của quan hệ đối tác này là việc Phnom Penh cam kết theo đuổi sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Kể từ năm 2013, cơ sở hạ tầng ở Campuchia đã có nhiều bước phát triển nhờ vào sáng kiến BRI này, như Đặc khu kinh tế Sihanoukville (được Trung Quốc cung cấp vốn) và Đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville.
Trong quá trình này Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản để vươn lên thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Campuchia, cũng như trở thành nước có mối quan hệ cực gần gũi với Campuchia. Cụ thể, Bắc Kinh đã cung cấp tài chính cho 7 dự án đập thủy điện có khả năng sản xuất lượng điện đáp ứng một nửa tổng nhu cầu về điện của Campuchia. Trung Quốc cũng xây 3.000km đường quốc lộ và 8 cây cầu cho Campuchia kể từ giữa thập niên 1990.
Từ năm 2013 đến 2017, Trung Quốc đầu tư 5,3 tỷ USD vào Campuchia, tức xấp xỉ 1 tỷ USD mỗi năm trong khoảng thời gian đó. Năm 2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Campuchia đạt 3,1 tỷ USD, với Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất.
Thương mại song phương lên tới 6 tỷ USD vào năm 2017, với hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Campuchia chiếm 87% con số đó. Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực tăng con số này lên thành 10 tỷ USD vào năm 2023, theo Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Gần đây, vào đầu năm 2019, Bắc Kinh cam kết viện trợ trực tiếp thêm 4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 588 triệu USD) cho Campuchia trong 3 năm tiếp theo.
Trong một khoản đề nghị viện trợ khác nằm trong sáng kiến hợp tác Lan Thương-Mekong, Trung Quốc cho biết họ sẽ nhập 400.000 tấn gạo của Campuchia trong năm 2019, và viện trợ khoảng 90 triệu USD cho ngành quốc phòng Campuchia và cung cấp trợ giúp nếu Campuchia mất quyền tiếp cận mậu dịch ưu đãi đối với thị trường EU.
Thời gian qua, lượng lớn đầu tư của Trung Quốc đổ về tỉnh duyên hải Sihanoukville của Campuchia do vị trí thuận tiện của địa phương này và do chính sách cởi mở của chính quyền đối với đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và sòng bạc (casino).
Hiện trong khu vực này có hơn 80 sòng bạc. Điều này đến lượt nó lại thúc đẩy thêm du khách Trung Quốc đổ xô tới Sihanoukville để chơi cờ bạc, biến thành phố này thành một thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc.
Theo Bộ Du lịch Campuchia, năm 2018, khoảng 2 triệu du khách Trung Quốc thăm Campuchia, tăng 70% so với năm trước đó. Dự kiến con số du khách này sẽ tăng lên mức 3 triệu vào năm 2020.
Theo một báo cáo gần đây của giới chức tỉnh Sihanoukville, các công dân Trung Quốc hiện nay sở hữu tới hơn 90% doanh nghiệp ở Sihanoukville, bao gồm các cơ sở như khách sạn, sòng bạc, nhà hàng và tiệm mát-xa, điều này khiến người bản xứ lo ngại về việc Trung Quốc ngự trị nền kinh tế địa phương.
Báo chí địa phương và quốc tế đã vẽ ra những “bức tranh” ảm đạm về việc Sihanoukville chuyển hóa từ một thị trấn vùng biển ngủ quên thành một trung tâm đánh bạc rẻ tiền kiểu Macau. Nhiều nhà phê bình cho rằng thành phố đang đánh mất nét duyên dáng vốn có trong lúc không gian văn hóa Trung Quốc mở rộng mạnh.
Tâm lý “bài Hoa”
Trong một nghiên cứu mới đây của Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, hai nhà nghiên cứu là tác giả Kimkom Heng và Sovinda Po ghi nhận các mối lo ngại ngày càng gia tăng và tâm lý “bài Hoa” trong người dân địa phương về sự phát triển của Sihanoukville.
Vụ một tòa nhà cao tầng do Trung Quốc xây bị đổ sập vào ngày 22/6/2019 trong khi thi công ở Sihanoukville, khiến 28 người chết và ít nhất 26 người bị thương (hầu hết nạn nhân là công nhân xây dựng người Campuchia) càng làm sâu sắc thêm cảm xúc tiêu cực đối với các món đầu tư của Trung Quốc.
Vụ sập nhà cao tầng do nhà thầu Trung Quốc đã gây tác động tiêu cực lên thái độ của người dân Campuchia đối với Trung Quốc. Ảnh: Nokorwat news
Tin tức về các vụ quấy rối tình dục, bắt cóc và tai nạn giao thông liên quan đến các công dân Trung Quốc càng làm tâm lý bài Hoa ở Campuchia thêm mạnh.
Thực tế nhiều người Campuchia có xu hướng tránh tới Sihanoukville – vốn từng là điểm đến phổ biến của du khách địa phương, do họ đều nhìn nhận nơi đây đã trở thành một cộng đồng của người Trung Quốc.
Cũng theo số lượng của Bộ Du lịch Campuchia, số người Campuchia thăm Sihanoukville năm 2018 đã giảm 13,5%.
Dân du lịch Campuchia giờ chuyển hướng sang Kampot, Siem Reap và Ratanakiri.
Mặc dù các khoản đầu tư của Trung Quốc liên quan đến BRI đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Sihanoukville, các ích lợi của đầu tư Trung Quốc chưa được chia sẻ rộng rãi với dân địa phương. Người được hưởng lợi có vẻ chủ yếu là giới tinh hoa Campuchia sở hữu bất động sản hoặc điều hành các doanh nghiệp phục vụ công dân Trung Quốc.
Có một vấn đề nữa là nhiều cơ sở do Trung Quốc xây dựng đã không được giới chức địa phương giám sát hoặc điều chỉnh đúng mức.
Sau khi xảy ra vụ sập nhà chết người nói trên, một ủy ban điều tra mới được trao nhiệm vụ kiểm tra tất cả các dự án xây dựng trên toàn lãnh thổ Campuchia. Sau đó Bộ Quản lý đất đai, Quy hoạch đô thị và Xây dựng của nước này thông báo rằng họ phát hiện ít nhất 5 doanh nghiệp xây dựng hoạt động ở Sihanoukville mà không có giấy phép.
Campuchia là một nước nhỏ theo đuổi nền kinh tế thị trường tự do với năng lực thể chế còn hạn ché nên họ gặp khó khăn trong việc áp các quy tắc, quy định nghiêm ngặt để giám sát và kiểm soát các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng chính phủ Campuchia buộc phải làm được điều đó để bảo đảm cho các địa phương còn lại của nước này không gặp phải “hội chứng Sihanoukville”.
Giới chức tỉnh và quốc gia có vai trò thiết yếu trong bảo đảm việc phát triển và đô thị hóa nhanh chóng phải mang tính bền vững.
Việc chống tham nhũng, nâng cao năng lực quản trị, cải thiện nguồn vốn con người và cải cách thể chế… đều đóng vai trò quan trọng để Campuchia đạt được tham vọng trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2050./.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch/ Nguồn: Nikkei Asian Review
Ý kiến ()