Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 09:41 (GMT +7)
Đẩy mạnh phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ
Thứ 6, 17/03/2017 | 15:44:00 [GMT +7] A A
Chính phủ vừa ban hành Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình.
Xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc
Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân; nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Đề án nhằm cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Đọc sách cũng cần được rèn luyện để tạo thói quen. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN |
Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phấn đấu có 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học.
Phấn đấu 20-25% người dân ở khu vực nông thôn, 15-20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện – văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành.
Về nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc, Đề án phấn đấu có 40-50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời; 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí.
Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc. Theo đó, các nội dung tập trung vào tăng cường vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng, duy trì thói quen đọc (xuất bản phẩm in và điện tử, đặc biệt là sách in) phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân.
Đề án huy động sự tham gia, phối hợp triển khai có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức liên quan như nhà trường, thư viện, nhà xuất bản, nhà sách… trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc; tăng cường vai trò của gia đình trong hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên; định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh trong xã hội.
Các nội dung của Đề án cũng tập trung vào việc đẩy mạnh phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học; hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân lực trong hệ thống thư viện tư nhân và loại hình tủ sách; bổ sung tiêu chí về tủ sách gia đình thành tiêu chuẩn xét công nhận gia đình văn hóa; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát huy vai trò của các doanh nghiệp và cơ sở khác hoạt động trong lĩnh vực phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm đối với phát triển văn hóa đọc.
Xây dựng hệ thống thư viện hiện đại
Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin được xác định là nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đọc. Việc xây dựng và phát triển hệ thống thư viện hiện đại, có vốn tài liệu phong phú, thân thiện với người sử dụng trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục của cộng đồng, nơi giao lưu giữa tác giả – tác phẩm và người đọc sẽ góp phần phục vụ hiệu quả nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.
Đề án đề xuất thí điểm hình thành thư viện điện tử phục vụ cộng đồng và nguồn học liệu mở cho trường học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức nhanh chóng, thuận tiện.
Bên cạnh đó, tập trung đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; tăng cường phổ biến, hướng dẫn về phương pháp sử dụng thư viện có hiệu quả; triển khai nhiều hơn các dịch vụ thư viện lưu động tại địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu thúc đẩy phối hợp, liên kết giữa các thư viện với trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện – văn hóa xã; tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, trong đó chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và các trường học, đồn biên phòng, trại giam, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng…
Ý kiến ()