Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 22:43 (GMT +7)
Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thứ 4, 18/01/2017 | 09:26:00 [GMT +7] A A
Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2020 vừa được ban hành tại Quyết định 2544/QĐ-TTg.
Mục tiêu trong thời gian tới là đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội; tập trung xây dựng các giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, nâng cao vị thế của nước ta trên trường thế giới.
Việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm 2016 – 2020 là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và tạo cơ sở để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020.
Để đạt được các yêu cầu đó, trong giai đoạn 2016 – 2020, các cấp các ngành cần tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực của đất nước, tài nguyên thiên nhiên, góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5 – 7%/năm, phấn đấu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 – 3.500 USD; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 – 1,5%/năm.
Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; động viên hợp lý các nguồn lực, phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước trên GDP bình quân khoảng 20 – 21% GDP; hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách Nhà nước; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.
Các cấp các ngành triệt để tiết kiệm chi ngân sách, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; không tăng chi thường xuyên trừ lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương, các khoản đóng góp cho người lao động theo quy định; đảm bảo thực hiện tốt dự toán ngân sách Nhà nước được Quốc hội phê chuẩn; kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước, phấn đấu đến năm 2020 dưới 4% GDP.
Cùng với đó, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách phù hợp đáp ứng mục tiêu duy trì đà phục hồi tăng trưởng, quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội trong tình hình mới, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư và chi trả nợ. Các bộ, ngành, địa phương thường xuyên rà soát tổng thể các chế độ, chính sách để bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ các chính sách chưa thực sự cấp thiết.
Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2020 cũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, kiểm soát chặt chẽ, từng bước giảm dần vốn vay do Chính phủ bảo lãnh, vay của chính quyền địa phương và vay của doanh nghiệp Nhà nước; nâng cao điều kiện cấp bảo lãnh của Chính phủ, chọn lọc các dự án thực sự cần thiết và cân đối được nguồn trả nợ; kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, đảm bảo nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội; chống lãng phí trong mua sắm tài sản Nhà nước thông qua việc đẩy mạnh mua sắm theo phương thức tập trung, áp dụng đối với những loại tài sản có lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung huy động các nguồn vốn có cơ cấu lãi suất hiệu quả, chú trọng các nguồn vốn lãi suất thấp, ưu đãi để tạo vốn cho đầu tư phát triển, trọng tâm là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, trong đó, tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị; phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2016 – 2020 khoảng 32% – 34% GDP.
Ý kiến ()