Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 06:46 (GMT +7)
Đẩy mạnh tiêu thụ đường mía bền vững, chống đường nhập lậu
Thứ 5, 25/05/2017 | 11:00:00 [GMT +7] A A
Trước tình hình tiêu thụ đường mía đang gặp nhiều khó khăn, tồn kho tăng cao kỷ lục, chiều 24/5, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ đường bền vững.
Tại đây, câu chuyện về đường nhập lậu lại một lần nữa làm “nóng” hội trường.
Lo ngại đường “lậu”, đường “lạ” gia tăng
Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, tình hình tiêu thụ đường năm nay khác hẳn với mọi năm, tốc độ tiêu thụ đường trên thị trường khá chậm, đẩy lượng đường tồn kho tăng kỷ lục so với nhiều năm trước. Tính đến ngày 19/5, các nhà máy đường đã sản xuất được hơn 1,36 triệu tấn đường, nhưng vẫn còn tồn kho gần 750.000 tấn, chiếm đến 54,9% so với tổng lượng đường sản xuất.
Ông Doanh cho rằng, có 4 nguyên nhân chính khiến lượng đường rơi vào tình trạng tồn kho khổng lồ như hiện nay. Trước hết là do biến đổi khí hậu làm các nhà máy vào vụ chậm, khi vào vụ lại sản xuất không liên tục nên sản lượng bị dồn đến cuối vụ.
Bên cạnh đó, lượng đường đấu thầu nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan trong năm 2016 về Việt Nam chậm, mãi đến quý 4/2016 mới triển khai. Giá đường thành sản xuất trong nước cao hơn giá đường nhập lậu. Quan trọng nhất là tình trạng buôn lậu, hàng giả diễn biến phức tạp trên cả nước đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ đường hiện nay.
Người dân Khánh Hòa thu hoạch mía niên vụ 2016-2017. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Cách đây đúng 2 tuần, phóng viên TTXVN đã đề cập đến lý do khiến tồn kho đường mía hiện đang ở mức cao kỷ lục, trong đó nhấn mạnh vào nguyên nhân do đường nhập lậu về nhiều. Theo ước tính của các doanh nghiệp, lượng đường nhập lậu được đưa về nước có thể lên đến 500.000 tấn đường trong năm 2017.
Đường nhập lậu chủ yếu được sản xuất từ Thái Lan, là nước có chính sách hỗ trợ xuất khẩu và sản xuất trong nước nên có giá luôn rẻ hơn giá bán đường trong nước của Việt Nam.
Theo thống kê của Thái Lan, chỉ tính trong năm 2015, lượng đường lậu vào Việt Nam là 383.000 tấn. Chỉ với số lượng này, Việt Nam đã thất thu tiền thuế khoảng 1.800 tỷ đồng, kèm theo đó là tình hình “rối loạn” thị trường, tiêu thụ đường trong nước gặp khó khăn.
Đáng chú ý, ngoài đường Thái Lan được nhập lậu về nước, hiện nhiều doanh nghiệp đang tỏ ra lo ngại về một số chất tạo ngọt thay thế, nhất là loại đường lỏng bắp nhập từ Trung Quốc được các công ty bánh kẹo, nước ngọt đang tiêu thụ nhiều hiện nay.
Theo bà Dương Thị Tô Châu, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, đây là loại đường lỏng được chiết xuất thủy phân hóa học từ hạt bắp có độ ngọt gấp 1,1-1,3 lần so với đường trắng trong nước. Theo thông tin mà doanh nghiệp này có được, trong năm 2016 đã có hơn 47.000 tấn đường lỏng được nhập vào Việt Nam. Loại đường nhập về cảng Tp.Hồ Chí Minh có giá khoảng 12.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với đường trắng bán trong nước (14.000 – 17.900 đồng/kg). Đáng lo ngại, loại đường lỏng này có thể được chiết xuất từ bắp biến đổi gen (GMO) nên Việt Nam cần kiểm soát vấn đề này.
Ông Phạm Quốc Doanh cũng thừa nhận, loại đường lỏng này được một số công ty sản xuất chế biến sản phẩm từ đường sử dụng nhưng không cơ quan nào kiểm soát, thuế nhập khẩu lại 0%, giá rẻ, độ ngọt lại cao sẽ là “đối thủ” khiến đường nội địa gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh không công bằng.
Đâu là giải pháp căn cơ?
Trước tình hình đường nhập lậu tăng cao, tác động xấu đến tình hình tiêu thụ đường trong nước, bà Bùi Thị Quy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Rượu Vạn Phát cho rằng, việc bắt đường nhập lậu không phải là cách tốt nhất để ngăn chặn đường lậu. Theo bà Quy, việc đường lậu tiêu thụ mạnh mẽ là do giá đường trong nước cao hơn, chênh lệch đến 2.000 đồng/kg so với đường lậu.
Các nhà máy đường phải có trách nhiệm đảm bảo phân phối đủ lượng đường trên thị trường, nhất là không nên “găm” hàng chờ giá. Khi Thái Lan chưa vào vụ, nếu đường trong nước chiếm giữ thị trường, thì đường Thái Lan không thể vào được. Đồng thời, VSSA phải có hướng dẫn tiêu thụ bình ổn thị trường đường trong nước.
“Nếu đường trong nước có thể bao phủ được thị trường, phân phối đường kịp thời khi có nhu cầu với giá cả phải chăng thì sẽ có thể chặn được đường lậu. Đây sẽ là giải pháp tiêu thụ bền vững”, bà Quy chia sẻ.
Ông Đặng Phú Quý, đại diện Công ty cổ phần Mía đường Quảng Ngãi cho biết, liên tục nhiều năm nay, các nhà máy đường đã tập trung vào việc cắt giảm chi phí để chuẩn bị cho hội nhập, tuy nhiên chi phí nguyên liệu chiếm đến 70%. Do vậy, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp trong ngành cần đầu tư mạnh vào khâu sản xuất để nâng cao chất lượng, chữ đường; đồng thời tạo ra các sản phẩm sau đường, như điện từ bã mía…
Sản phẩm đường tinh luyện đang được đóng bao bì. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã thống nhất đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành mía đường hiện nay. Chẳng hạn như, đề xuất Chính phủ dừng việc tạm dừng tái xuất; đề nghị các địa phương dứt khoát không cấp phép mới cơ sở sang bao đóng gói mà không có nhà máy; sớm hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành mía đường đến năm 2030… Trước đó, VSSA cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương chậm tổ chức đấu giá đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2017 theo cam kết WTO sang cuối quý 3 hoặc quý 4/2017.
Tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, trước tình hình tồn kho mía đường tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường việc kiểm soát tình trạng buôn lậu đường, nhất là việc buôn bán hóa đơn chứng từ, để tránh việc hợp thức hóa đường lậu đang tràn lan hiện nay.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, các nhà máy đường cũng phải đầu tư công nghệ mới để giảm chi phí sản xuất. Nếu giá thành sản xuất thấp thì đường buôn lậu không thể thẩm lậu vào trong nước. Giá đường trong nước cao một phần do giá thành sản xuất mía cao. Phần lớn nông dân đã biết cách giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng mía. Tuy vậy, cái chính vẫn là ở chi phí sản xuất các nhà máy đường, các nhà máy đường phải đầu tư công nghệ mới thì mới có thể thu hết hàm lượng đường cây mía.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết, những kiến nghị còn lại của VSSA sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục bàn thảo với các bộ ngành liên quan để tìm ra giải pháp bền vững. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp trong ngành không chủ động đề ra giải pháp để đoàn kết ứng phó, có thể năm sau sẽ tới lượt mía đường phải chờ “giải cứu” như một số loại nông sản hiện nay.
Ý kiến ()