Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 11:32 (GMT +7)
Đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm để các địa phương liên quan nhanh chóng truy vết
Thứ 3, 29/06/2021 | 11:09:00 [GMT +7] A A
Lãnh đạo các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đang có dịch đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với một số địa phương, chiều 28/6, lãnh đạo các tỉnh: Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định đề nghị, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đang có dịch đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, thông báo kết quả (đặc biệt các ca F0) cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh có liên quan để nhanh chóng truy vết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp tại Trụ sở Chính phủ.
Nguy cơ dịch bệnh rất cao
Nhận định chung tình hình dịch bệnh trên cả nước, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, dịch COVID-19 đang được kiểm soát. Tuy nhiên, các biến chủng mới của SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận – nơi có mật độ giao lưu lớn, nhiều nhà máy, khu công nghiệp.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu rõ, hiện nguy cơ dịch bệnh còn rất cao do: Lây nhiễm từ các khu cách ly thực hiện cách ly không đúng quy định; do nhập cảnh trái phép từ các nước láng giềng; sự chủ quan, lơ là với phòng, chống dịch của các địa phương, cơ quan đơn vị, không thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Bên cạnh đó, biến chủng Dealta (Ấn Độ) có khả năng lây lan mạnh, lây truyền cao hơn 40-50% so với biến chủng Alpha (Anh).
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định nhận định, tình hình dịch trên địa bàn có nguy cơ diễn biến phức tạp. Năng lực phòng, chống dịch của các địa phương đáp ứng được tình hình dịch bệnh hiện tại, tuy nhiên, các địa phương đều khẩn trương nâng công suất điều trị, xét nghiệm, nâng cao số lượng các khu cách ly tập trung trên tinh thần “cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc, quyết liệt chặn dịch ngày trong thời gian ngắn nhất”.
Bên cạnh đề xuất hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm, vaccine phòng COVID-19…, các địa phương đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đang có dịch đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, thông báo kết quả (đặc biệt các ca F0) cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh có liên quan để nhanh chóng truy vết.
Xét nghiệm lái xe đường dài như đối tượng chỉ định
PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam phát biểu.
Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Liên quan đến hoạt động của các xe chở hàng hóa và chở khách nội tỉnh, liên tỉnh tại các địa phương nêu trên, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng xe hoạt động ở các địa phương có giảm nhưng không nhiều: Quảng Ngãi khoảng 5.500/8.200 xe hoạt động; Bình Định còn khoảng 4.000/10.000 xe hoạt động… Để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm, Bộ Giao thông vận tải đề xuất, lái xe vận tải, xe chở hàng hóa trên cả nước bắt buộc phải khai báo y tế qua mã QR-Code; bố trí điểm đỗ, đón xe vận tải cố định liên tỉnh… đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Giải đáp yêu cầu “lái xe đường dài phải được xét nghiệm COVID-19 khi đi qua các tỉnh”, đại diện Bộ Y tế cho biết, ngày 28/6, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các địa phương công khai các địa điểm xét nghiệm cho lái xe và coi lái xe đường dài như đối tượng chỉ định bắt buộc bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam khẳng định, việc hạn chế khách lên xuống dọc tuyến vận tải làm giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong bối cảnh các địa phương đang xuất hiện các ca bệnh rải rác, thậm chí, có thể có ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng.
Cùng với việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K, chuyên gia Trần Đắc Phu khuyến cáo, các địa phương tiếp tục phát hiện sớm các ca chỉ điểm, ca có dấu hiệu ho, sốt, khó thở; chỉ nên xét nghiệm ở những nơi trọng tâm, trọng điểm, không thực hiện tràn lan, chỉ xét nghiệm rộng theo chỉ định dịch tễ và có nguy cơ.
Lưu ý việc khoanh vùng phong tỏa, chuyên gia Trần Đắc Phu cho biết, nhiều tỉnh có nguy cơ hoặc ca bệnh liên quan đến một thôn, một vài xã nhưng lại khoanh vùng cả huyện/thành phố nhưng không đủ người để kiểm soát chặt nên không hiệu quả. “Sau khi xác định được ổ dịch phải khanh gọn nhất có thể, kiểm soát chặt. Khoanh rộng nhưng bên trong làm lỏng, dịch bệnh vẫn lây lan nhanh”, ông Trần Đắc Phu nêu rõ.
Chủ động nguồn sinh phẩm xét nghiệm
Điểm cầu các tỉnh tham dự họp trực tuyến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào các địa phương rất lớn do có nhiều tuyến vận tải liên tỉnh, điểm du lịch…; trong khi đó, việc trao đổi thông tin về các trường hợp F0, F1, F2 giữa các địa phương còn chậm. Do đó, khi tình hình dịch bệnh chưa phức tạp, các địa phương phải tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chủ động nguồn sinh phẩm xét nghiệm; nỗ lực giữ an toàn cho các bệnh viện; xác định những khu vực có nguy cơ cao ngoài cộng đồng như bến tàu, bến xe, chợ… để xét nghiệm tầm soát, sàng lọc (chủ yếu qua xét nghiệm Realtime RT-PCR mẫu gộp, xét nghiệm kháng nguyên nhanh chỉ có hiệu quả khi dịch diễn biến phức tạp).
Với biến thể mới của SARS-CoV-2, các khu cách ly tập trung làm không nghiêm ngặt, mật độ không thưa có nguy cơ lây nhiễm chéo lớn, do đó, các địa phương cần tính đến phương án cách ly tại chỗ. Trong khu, cụm công nghiệp, các địa phương phải chỉ đạo doanh nghiệp, nhà máy nắm toàn bộ danh sách và khai báo y tế cho công nhân; kiểm tra phương án phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, nhà máy, trong đó có việc phân lại ca, kíp sản xuất cho công nhân theo nơi cư trú…
Về thực hiện khoanh vùng, giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những yêu cầu lớn nhất của giãn cách xã hội là nhằm ngăn tiếp xúc, làm chậm tốc độ lây của virus, không tập trung đông người. Tùy theo tình hình, các địa phương tự quyết định diện khoanh vùng và khẩn trương xét nghiệm để xác định phạm vi khoanh vùng hẹp, chặt nhất có thể. Các địa phương quán triệt tinh thần của Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19.
https://baotintuc.vn/thoi-su/day-nhanh-tien-do-xet-nghiem-de-cac-dia-phuong-lien-quan-nhanh-chong-truy-vet-20210628205643504.htm
Ý kiến ()