Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:27 (GMT +7)
ĐBSCL hướng tới nền nông nghiệp xanh Nông dân Bến Tre làm “lúa sạch”
Thứ 6, 25/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Ba năm nay, ở Bến Tre xuất hiện cụm từ “Lúa sạch Thạnh Phú” khiến nhiều người quan tâm. “Lúa sạch Thạnh Phú” xuất phát từ chính những người nông dân làm lúa ở ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú.
Những dấu hiệu tích cực
Từ lâu, ba huyện biển là Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại của tỉnh Bến Tre được nhiều người biết đến là vùng trồng “lúa sạch” của tỉnh. “Lúa sạch” là lúa vụ mùa (mỗi năm làm một vụ), được người dân cấy xong 6 tháng sau thu hoạch. Trong quá trình cây lúa phát triển, người dân không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay dùng phân hóa học để bón.
Thời gian gần đây, mô hình “lúa sạch” đang phát triển mạnh ở huyện Thạnh Phú theo các hình thức: Một vụ tôm luân canh một vụ lúa (hoặc vừa lúa vừa tôm). Ông Lê Văn Phong ở ấp Giao Hòa B, bộc bạch kinh nghiệm: “Sau khi kết thúc vụ tôm, bùn dưới ao được bơm lên mặt ruộng, phơi nắng cho đến khi khô trắng, nứt nẻ. Mặt ruộng cần xẻ một rãnh sâu khoảng 4 tấc, rộng 6 tấc để thoát phèn trong ruộng. Trong bùn đất đáy ao có vi sinh vật, rong tảo cho tôm, tôm ăn thức ăn thải phân ra lắng dưới đáy ao. Lớp bùn này sau khi phơi nắng, gặp mưa xuống trở thành lớp đất đầy dinh dưỡng mang tính bền vững cho cây lúa”.
Xã An Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) có khoảng 80 ha trồng “lúa sạch”. |
Ông Hồ Văn Cường, ấp An Hòa, xã An Nhơn cho biết, “lúa sạch” đã có ở địa phương từ rất lâu. Tuy nhiên, năng suất lúa không cao do không biết kỹ thuật trồng và không có giống lúa chất lượng.
Từ năm 2013, Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú tổ chức tập huấn cho các thành viên trong các tổ hợp tác “lúa sạch” về cách ủ giống, dùng phân và cách cải tạo đất, những kỹ thuật cần thiết cho việc chuẩn bị xuống giống… Đồng thời khuyến khích nông dân trong tổ hợp tác “lúa sạch” trồng các giống lúa OM 6162, OM 4900. Các giống lúa này được trồng từ tháng 7 đến tháng 11 (âm lịch) đã thu hoạch, rút ngắn được 2 tháng so với cách trồng trước kia.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ân, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Nhơn, kinh tế mũi nhọn của xã là nuôi trồng thủy sản với diện tích 2.200 ha, nhưng gần đây nông dân tận dụng đất trong vuông tôm để trồng một vụ lúa, nuôi một vụ tôm với diện tích khoảng 1.100 ha. Năm 2013, xã Mỹ Nhơn được Dự án tăng cường hợp tác nông dân trong nghiên cứu nông nghiệp và khuyến nông Việt Nam hỗ trợ, thực hành trên 10 giống lúa đạt năng suất cao; trong đó có giống OM 6162 đạt năng suất 7,6 tấn/ha, giống OM 9921 đạt năng suất 8,4 tấn/ha. Không chỉ có năng suất cao mà chất lượng lúa rất tốt, người dân không sử dụng hóa chất vào quy trình sản xuất, chất lượng gạo đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thành, ấp Giang Hà, xã An Điền chia sẻ bí quyết: “Trồng lúa không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên phải có cách để diệt sâu. Nếu phát hiện có sâu thì mở cống dẫn nước vào cho ngập cây lúa để khoảng 20 phút tháo nước ra thì chẳng có con sâu nào sống được”. Đó là cách mà người nông dân huyện Thạnh Phú giữ cho hạt lúa của mình “sạch”.
“Người nông dân được khuyến cáo thuốc bảo vệ thực vật sẽ làm ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, cụ thể ở đây là tôm, cua được nuôi luân – xen canh lúa nên người dân không hề dùng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó chất lượng lúa được đảm bảo tuyệt đối”, ông Trần Hữu Chí, Phó Chủ tịch xã An Điền khẳng định.
Xây dựng thương hiệu
“Xuất phát từ nhu cầu của xã hội, cộng với việc từ trước đến nay nơi đây chỉ có trồng mỗi “lúa sạch” nên chúng tôi muốn bán chính loại lúa mà mình trồng đảm bảo an toàn, chất lượng cho nhiều người sử dụng”, ông Tô Văn Bạch, Chủ tịch Hội nông dân xã An Nhơn, chia sẻ.
Với ý tưởng đó, ông Tô Văn Bạch bàn với một vài hộ dân trong ấp An Hòa lập tờ trình UBND xã An Nhơn để được thành lập tổ hợp tác “lúa sạch”. Năm 2014, UBND xã An Nhơn cũng đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa gồm 17 thành viên với diện tích 15 ha. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã cho sử dụng địa danh “Thạnh Phú” để đăng ký nhãn hiệu tập thể là “Lúa sạch Thạnh Phú”.
Huyện Thạnh Phú có tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 10.800 ha, sản lượng trung bình 51.000 tấn. Dựa trên những điều kiện như nguồn nước, điều kiện sản xuất, UBND huyện Thạnh Phú chọn 6 xã, gồm Mỹ An, An Điền, An Thạnh, An Qui, An Nhơn, An Thuận để xây dựng 8 tổ hợp tác làm “lúa sạch”.
Năm 2014, Công ty Lương thực Bến Tre ký kết hợp đồng với tổ hợp tác “lúa sạch” ấp An Hòa, xã An Nhơn bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa của 17 thành viên tổ hợp tác với mức giá cao hơn giá thị trường 2%. “Chúng tôi mong thương hiệu “Lúa sạch Thạnh Phú” được công nhận để giá lúa của người dân bán ra thị trường được cao hơn”, ông Dương Văn Huyện, Chủ tịch UBND xã An Nhơn, cho biết.
Theo ông Mai Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, mặc dù diện tích, năng suất, sản lượng cơ bản đảm bảo theo quy hoạch nhưng do tình hình sản xuất lúa gạo trong huyện còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung, chất lượng lúa gạo hàng hóa chưa cao. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nông thôn phục vụ vận chuyển, lưu thông hàng hóa còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm làm ra chủ yếu thông qua các thương lái đến từ An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long, nhưng giá cả cũng rất bấp bênh.
Trước tình hình trên, huyện Thạnh Phú đề xuất Sở Công Thương tỉnh hỗ trợ tìm đầu ra, nhất là có các doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng thu mua lúa gạo cho nông dân và cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ. Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ mô hình cánh đồng mẫu, tập trung nghiên cứu một vài giống chủ lực phù hợp để huyện hướng tới xây dựng thương hiệu “Lúa sạch Thạnh Phú”.
Ý kiến ()