Thứ Ba, 26/11/2024 07:44 (GMT +7)

ĐBSCL trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước

Thứ 5, 21/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

(TBKTSG Online) – Giới chuyên gia cho rằng các dự án xây dựng thủy điện, hồ đập… tại các nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia trong lưu vực sông Mê Kông đang tạo rủi ro tiềm ẩn, đe dọa an ninh nước Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam. Do đó chính phủ Việt Nam cần xem đây là vấn đề quan trọng để có những biện pháp kịp thời.

Đó là nội dung của tọa đàm về các rủi ro tiềm ẩn từ các dự án sử dụng nước sông Mê Kông tới ĐBSCL được Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20-7.

photo_png

Ông Nguyễn Hồng Toàn, chuyên gia Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Vân Ly

 

Rủi ro lớn cho ĐBSCL

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia độc lập về quản lý lưu vực sông, nhắc lại mùa khô năm 2015 – 2016, hạ lưu khu vực sông Mê Kông và ĐBSCL đã trải qua đợt hạn hán lịch sử – chỉ xuất hiện với tần suất 100 năm/1 lần. Hạn hán ở ĐBSCL càng thiêm khốc liệt khi nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống.

Theo ông Quảng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có tác động của El Nino cực đoan diễn ra trên diện rộng và những tác động tích lũy của các dự án sử dụng nước ở vùng thượng lưu sông Mê Kông. Bên cạnh hệ thống thủy điện công suất lớn của Trung Quốc ở vùng đầu nguồn sông Mê Kông (Lan Thương) còn có 12 đập thủy điện dự kiến hoặc đang được xây dựng trên dòng chính, các kế hoạch sử dụng nước sông Mê Kông để mở rộng canh tác nông nghiệp của các quốc gia trong khu vực cũng đang dần triển khai.

Ông Quảng cho rằng, do nằm ở cuối lưu vực sông Mê Kông, ĐBSCL của Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro từ các dự án sử dụng nước của các quốc gia ở đầu nguồn. Đầu năm 2016, Thái Lan đã xây dựng kịch bản phát triển tưới tiêu vùng Đông Bắc đến năm 2040.

Cung cấp thông tin tại tọa đàm, ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia quản lý lưu vực sông, cho biết lưu vực sông Mê Kông có diện tích khoảng gần 800.000 km vuông với tổng lượng nước hằng năm khoảng 475 tỉ mét khối.

Nhưng lượng nước phân bổ không đều theo không gian và thời gian. Trong tổng lượng nước đó, Trung Quốc chiếm 16%, Myanmar 2%, Lào 35%, Thái Lan 18%, Campuchia 18% và Việt Nam 11%

Còn hiện tại, một số dự án sử dụng nước sông Mê Kông ở Thái Lan đang được triển khai, như dự án xây dựng khoảng 30 hồ chứa gần hợp lưu của các sông nhánh với sông Mê Kông để chuyển nước sông Mê Kông vào trữ tại các hồ chứa, tưới cho các vùng canh tác; dự án chuyển nước từ sông Mê Kông về lưu vực sông vùng Đông Bắc của quốc gia này. Bên cạnh đó, Campuchia cũng đang ráo riết đầu tư vào dự án tưới tiêu theo hướng lấy nước hoặc giữ nước từ sông Mê Kông nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Nói tại buổi tọa đàm trên, bà Đặng Thị Hà Giang, chuyên gia Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, cho rằng xung đột quyền lợi của các nước trong sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông là khó tránh khỏi. Trong các dự án phát triển thủy điện, việc sử dụng nước ở vùng thượng lưu sẽ làm ảnh hưởng đến vùng hạ lưu. Việc khai thác sử dụng nước trên sông nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến hậu quả khó lường cho vùng hạ lưu.

“Kinh nghiệm rút ra từ các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật tài nguyên nước trên sông Hồng, sông Mã… cho thấy dòng chảy về mùa kiệt là nguyên nhân gây ra hạn hán, xâm nhập mặn ở hạ du và gây ra rủi ro tiềm ẩn, thiệt hại về môi trường. Rủi ro tiềm ẩn từ các dự án sử dụng nước sông Mê Kông tới ĐBSCL là rất lớn,” bà Giang nói.

Kiến nghị

Vẫn theo bà Giang, thực tiễn diễn biến tác động của dòng chảy kiệt trong năm 2015 cho thấy hạn, mặn đã diễn biến ngày càng khốc liệt hơn làm thay đổi sinh kế của người dân ĐBSCL. Tuy nhiên việc xây dựng các giải pháp ứng phó là rất khó khăn do chưa có chính sách chung giữa các quốc gia.

Nói tại tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Toàn, Chuyên gia Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần xác định các dự án sử dụng nước sông Mê Kông của các nước bạn là một vấn đề quan trọng, có thể đe dọa đến hạ lưu sông Mê Kông ở Việt Nam. Do đó Việt Nam cần phải giải bài toán kết hợp giữa thủy điện và sử dụng nước sao cho hài hòa.

Đồng thời, Chính phủ các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông cần xác định việc chia sẻ lợi ích giữa các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với các nước thuộc hạ du như Việt Nam. Các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để đưa ra bản thỏa thuận hợp tác để tất cả cùng có lợi.

Còn ông Nguyễn Nhân Quảng kiến nghị các cơ quan chức năng cần thu thập thông tin cập nhật qua các nguồn khác nhau để theo dõi, giám sát về việc phát triển thủy điện và sử dụng nước nhằm đưa ra những kiến nghị thỏa đáng với Chính phủ để trên cơ sở đó có các đối sách kịp thời xử lý tình huống và bảo về quyền lợi của ta ở ĐBSCL. Các cơ quan hữu quan trong các thể chế hợp tác Mê Kông khu vực, nhất là Ủy hội Sông Mê Kông, cần chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu các nước thành viên tuân thủ các quy định của Hiệp định Mê Kông trong thông báo, tham vấn đối với các dự án sử dụng nước.

Ngoài ra ông Quảng còn cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu thêm các giải pháp như thay đổi cơ cấu cây trồng tiêu hao ít nước và thích hợp với các vùng đất khác nhau, không độc canh lúa nước.

 

Vân Ly/ Thời báo kinh tế sàigòn

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu