Thứ Năm, 28/11/2024 07:22 (GMT +7)

Để màu cờ Việt Nam phủ rộng hơn trên bản đồ gìn giữ hòa bình thế giới

Thứ 4, 17/03/2021 | 16:20:00 [GMT +7] A  A

Mới đây, Bộ Quốc phòng đã trao quyết định của Chủ tịch nước cho sĩ quan thứ hai của Việt Nam đi thực hiện nhiệm vụ tại Trụ sở Liên hợp quốc và tổng kết nhiệm kỳ công tác của 9 sĩ quan Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Trao đổi với báo chí, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng tổ công tác liên ngành, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã chia sẻ những đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam cũng như những kỳ vọng trong thời gian tới đối với lực lượng này.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng với các sỹ quan. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thưa Thượng tướng, về kết quả thực hiện nhiệm vụ tại thực địa của 9 đồng chí tại hai phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, Thượng tướng có suy nghĩ và đánh giá như thế nào?

Chúng ta đã nhiều lần đón các đồng chí trong đội hình gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đi hoạt động ở châu Phi về nước. Mỗi lần như thế, chúng ta lại ghi nhận thêm những thành công, đóng góp và nhận thức càng ngày càng phát triển của các sĩ quan Việt Nam. Tuy nhiên, lần này rất đặc biệt vì chúng ta trải qua bối cảnh dịch COVID-19 trên toàn cầu, trong đó Việt Nam bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng kể cả đối với các hoạt động trong nước và các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ Nam Sudan, Trung Phi. Tôi rất phấn khởi trước kết quả công tác của 9 đồng chí. Kết quả đó thể hiện rằng, lực lượng của chúng ta tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình đã hoàn thành được nhiệm vụ kép mà Đảng, Nhà nước đặt ra.

Đối với trong nước, chúng ta vừa ổn định và phát triển kinh tế – xã hội, vừa chống dịch. Đối với lực lượng gìn giữ hòa bình, việc đầu tiên là chúng ta phải chống dịch cho lực lượng của Việt Nam. 9 đồng chí đã trở về sau một nhiệm kỳ rất dài, có những đồng chí kéo dài nhiệm kỳ đến 10 tháng, đến 8 – 9 lần phải hoãn và điều chỉnh lịch về nước nhưng đều khỏe mạnh, phấn khởi, tự tin, khẳng định hiệu quả của những biện pháp mà chúng ta đã thực hiện để chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các đồng chí vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của Liên hiệp quốc cũng như nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng Việt Nam giao. Đây là một vấn đề khó khăn đối với tất cả các quốc gia tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trong bối cảnh dịch COVID-19. Chúng ta không chỉ trông chờ vào sự đảm bảo của Liên hợp quốc trong tình hình dịch bất thường mà phải dựa vào sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, của Chính phủ để các đồng chí đó có được vật tư, thuốc men, đặc biệt là có những quy chế, quy định theo đúng chỉ thị của Chính phủ để đảm bảo sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ và vượt qua dịch COVID-19, đảm bảo sức khỏe cho bộ đội ta, các đồng chí một lần nữa nêu gương sáng của người chiến sĩ, sĩ quan Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ. Đã có rất nhiều tấm gương trong thời gian qua của các sĩ quan Việt Nam, vừa khắc phục khó khăn cho lực lượng của chúng ta, vừa giúp các lực lượng khác tại các phái bộ, vừa làm những hành động rất tự giác, nhân văn, điển hình như Trung tá Nguyễn Thị Liên, nữ sĩ quan Việt Nam đã được Liên hợp quốc tặng Bằng khen vì thành tích đặc biệt, truyền cảm hứng cho cộng đồng và cho những quốc gia khác về phòng, chống dịch COVID-19. Như vậy, tôi cho rằng các đồng chí đã hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng giao.

Một điểm nữa nổi lên là nhận thức, sự tự tin và trình độ cán bộ của chúng ta khác trước rất nhiều. Qua khó khăn, con người sẽ trưởng thành. Trải qua những nhiệm kỳ rất dài, trong bối cảnh hiện nay là kéo dài gần một năm ở địa bàn châu Phi xa xôi mà không biết được chính xác ngày về, cán bộ, chiến sĩ gìn giữ hòa bình của Việt Nam vẫn giữ tư tưởng rất vững vàng, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ một cách rất bình thản, giản dị nhưng rất hiệu quả. Nhiều bạn bè quốc tế gặp sĩ quan của chúng ta đều nói sĩ quan Việt Nam rất khác biệt. Tôi cho rằng đây chính là điểm khác biệt đó. Đây là điều đáng mừng nhất khi các đồng chí trở về.

Chúng ta tiếp tục có một niềm tự hào mới khi đồng chí Trần Đức Hưởng, sĩ quan thứ hai của Việt Nam trúng tuyển vào làm việc tại Trụ sở của Liên hợp quốc, Thượng tướng có điều gì muốn nhắn gửi đối với đồng chí Trần Đức Hưởng cũng như các cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam đã và đang tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình?

Chủ trương đưa các cán bộ của chúng ta vào làm việc tại các cơ quan của Liên hợp quốc đã có từ lâu, nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Quốc phòng từ nhiều năm, nhưng thực hiện được hay không tôi cho rằng do chính các đồng chí đó. Sự hỗ trợ chỉ là một phần và chỉ là khởi đầu. Đầu tiên các đồng chí đó phải hoàn thành tốt và rất tốt nhiệm vụ tại các phái bộ với tư cách là sĩ quan tham mưu. Thứ hai, các đồng chí phải có trình độ, năng lực ở tầm quốc tế mới vượt qua được một kỳ thi có rất nhiều nước tham gia và mỗi một vị trí có đến 150 – 200 ứng viên đều đạt tiêu chí giống các sĩ quan của chúng ta. Việc các sĩ quan Việt Nam trúng tuyển vào làm việc tại cơ quan tham mưu của Liên hợp quốc đã thể hiện rõ kết quả của việc chúng ta tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trong những năm qua, khi trong cơ quan tham mưu cao nhất của Liên hợp quốc xuất hiện hình ảnh bộ quân phục của Quân đội Việt Nam, có sự góp mặt của sĩ quan Việt Nam và chúng ta phục vụ cho các nhiệm vụ chung của Liên hợp quốc. Chúng ta luôn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc mình trong bối cảnh môi trường quốc tế. Việc có các sĩ quan vào làm việc tại cơ quan của Liên hợp quốc là điều rất tốt cho các hoạt động gìn giữ hòa bình nói riêng cũng như cho các hoạt động hội nhập quốc tế của đất nước và Quân đội nói chung.

Với năng lực vượt qua được những kỳ thi và đã được thử thách ở các phái bộ, tôi tin các đồng chí sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi mong muốn và yêu cầu các đồng chí giữ cho được phẩm chất đạo đức và đặc tính của người chiến sĩ, sĩ quan Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ, dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn, gian khổ. Ở địa bàn như các phái bộ châu Phi, chúng ta vẫn làm được điều này. Ở trung tâm của Liên hợp quốc – có thể nói là trung tâm của thế giới, với bối cảnh hoàn toàn mới, các đồng chí càng phải phấn đấu giữ vững những phẩm chất đó; luôn phải nghĩ rằng, tất cả hoạt động của mình đều nhằm phục vụ mục đích của đất nước, của Quân đội và hỗ trợ cho các đồng chí khác đang công tác tại các phái bộ trên thế giới.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quyết định của Chủ tịch nước cho Trung tá Trần Đức Hưởng đi thực hiện nhiệm vụ tại Trụ sở Liên hợp quốc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thưa Thượng tướng, sau khoảng 4 tháng Quốc hội thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đây sẽ là lần xuất quân đầu tiên của năm nay đối với hoạt động này và là lần thứ hai chúng ta có sĩ quan trúng tuyển vào làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc. Điều này có ý nghĩa như thế nào và cho thấy cam kết gì của Việt Nam đối với Liên hợp quốc cũng như cộng đồng thế giới trong gìn giữ hòa bình?

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trước hết là nguồn động viên cho các cán bộ, chiến sĩ và các đơn vị tham gia hoạt động này. Đây là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn của đất nước đối với những lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Thứ hai, điều này thể hiện cam kết rất mạnh mẽ của đất nước về tính lâu dài, bền vững của hoạt động gìn giữ hòa bình, mở rộng ra là tính lâu dài, bền vững của việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Chúng ta đã nói là làm, và làm với một sự tính toán lâu dài, đưa vào luật.

Tôi được biết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với 100% phiếu đồng tình. Nhiều bạn bè quốc tế đặt câu hỏi tại sao Quốc hội Việt Nam lại đạt được sự thống nhất cao khi bỏ phiếu về một hoạt động nhạy cảm, khó khăn. Tôi cho rằng nguyên nhân là do chúng ta nhận thức được lợi ích của hoạt động này đối với đất nước. Tuy nhiên, quan trọng là việc tham gia gìn giữ hòa bình trong thời gian qua đã chứng minh Việt Nam có thể làm được, làm tốt và đem lại lợi ích chung cho quốc tế cũng như lợi ích cho đất nước. Việc lên đường thực hiện nhiệm vụ của đồng chí Trần Đức Hưởng sẽ là lần xuất quân đầu tiên sau khi Quốc hội có Nghị quyết. Các đồng chí như đồng chí Hưởng sẽ lên đường với tư cách một sĩ quan thực hiện mệnh lệnh của Quân đội Việt Nam, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng đồng thời là thực hiện luật pháp Việt Nam trong môi trường quốc tế. Đây là điều tạo vị thế, tâm thế rất vững vàng cho sĩ quan của chúng ta khi thực hiện nhiệm vụ.

Một sự kiện quan trọng nữa của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam được chờ đợi là lễ xuất quân của bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở châu Phi và đã có ảnh hưởng lớn đến bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, Thượng tướng có thể chia sẻ lý do chúng ta vẫn tiếp tục cử bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường?

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 là một đơn vị đã trải qua khoảng thời gian rất đặc biệt với một nhiệm kỳ cực kỳ gian khổ. Với một sĩ quan thực hiện nhiệm vụ dưới hình thức cá nhân, độc lập thì tương đối đơn giản, nhưng với một đội hình vài chục người, với số lượng trang bị lớn, việc cách ly, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến nhân sự để thực hiện nhiệm vụ. Có thể nói mỗi đồng chí đều phải làm gấp đôi, gấp ba trách nhiệm của mình, như tham gia gác, nấu ăn, làm công tác vệ sinh…, tất cả đều phải làm việc. Ngoài dịch COVID-19, chúng ta cũng đồng thời phải đối phó với những dịch bệnh rất nặng nề ở địa bàn, nhưng các đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đến nay, các quân nhân của bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã bị chậm thời gian về nước mất 4 tháng so với thời hạn nhiệm kỳ, nhưng không đồng chí nào từ chối nhiệm vụ hoặc đã tỏ ra dao động. Bộ Quốc phòng đã rất cân nhắc về quyết định thời điểm đưa bệnh viện số 2 về nước, triển khai bệnh viện số 3 thay thế hay nên kéo dài việc thực hiện nhiệm vụ của bệnh viện số 2 trong tình hình hiện nay… Bộ Quốc phòng, Tổ công tác liên ngành đã bàn bạc, báo cáo cấp trên và quyết định rằng đã đến lúc phải đưa lực lượng của bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 về nước. Vì thời gian dài, cường độ công việc lớn như vậy, bản thân sức khỏe, sức chịu đựng của các đồng chí cũng có mức độ. Nhưng quan trọng hơn là vật tư y tế, vật tư đảm bảo… có thể nói là không còn. Thời gian qua thế giới gần như ngừng trệ về vận tải hàng không, chúng ta chỉ có thể có chuyển sang một số thuốc rất hạn chế qua hành lý của những sĩ quan sang trả phép. Tuy nhiên, vật tư y tế cho một bệnh viện rất phức tạp và yêu cầu rất nhiều. Vì vậy, chúng ta đã hạ quyết tâm là chuẩn bị cho bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường.

Đó là câu chuyện của bệnh viện số 2, nhưng trong bối cảnh như vậy, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 có sẵn sàng lên đường không? Câu trả lời là cho đến giờ này, không một đồng chí nào của bệnh viện số 3 tỏ ra lưỡng lự hoặc từ chối nhiệm vụ. Tất cả đều sẵn sàng lên đường với một tâm thế rất nhiệt tình.

Bên cạnh đó, chúng ta hết sức ghi nhận sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Trong tình hình hiện nay, Australia vẫn đồng ý bố trí cho chúng ta hai chuyến bay C17 để sang Nam Sudan đưa và đón quân của chúng ta. Việc này gặp khó khăn hơn rất nhiều trong bối cảnh dịch bệnh bởi chi phí nhiều hơn, thủ tục phức tạp hơn. Theo tôi được biết, Australia đã phải đưa vấn đề này ra Quốc hội để được cho phép. Có lẽ cần thời gian sau này để nhìn lại tổng thể hơn toàn bộ việc chúng ta đón bệnh viện số 2 về và đưa bệnh viện số 3 lên đường, đến giờ này, công tác chuẩn bị đã được hoàn thành tốt và các đồng chí cán bộ của chúng ta đã sẵn sàng.

Các cán bộ, chiến sĩ của bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 rất nóng lòng đợi đến ngày về nước, nhưng cũng luôn xác định tinh thần rằng đến thời điểm trước khi lên máy bay vẫn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi tin tưởng vào điều đó.

Thưa Thượng tướng, những điều mà chúng ta đã làm, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác, đã thể hiện cam kết như thế nào của Việt Nam đối với việc thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc?

Có thể nói Việt Nam là một quốc gia được quốc tế thừa nhận đã thực hiện rất nghiêm túc, đầy đủ, có trách nhiệm các cam kết quốc tế của mình. Tuy nhiên, hoạt động gìn giữ hòa bình có đặc điểm là cam kết được thực hiện bởi các cấp thấp nhất, là những con người cụ thể. Nhà nước cam kết nhưng những người thực hiện cam kết lại là những đồng chí trung úy, thượng úy, đại úy, thiếu tá…, thì làm sao để cấp trên cam kết nhưng đến cấp thấp nhất vẫn đảm bảo thực hiện đúng cam kết ấy ở tầm quốc gia là điều rất quan trọng.

Thứ hai, việc thực hiện cam kết với tư cách là người đi làm thuê, người đi thực hiện nghĩa vụ của quốc tế hay là người đi thực hiện nhiệm vụ của đất nước giao phó; với mục tiêu là thực hiện tốt nhất hay chỉ vừa đủ nhiệm vụ được giao… cũng là những điểm khác biệt. Sĩ quan của chúng ta đã thực hiện tốt nhất những gì trong khả năng, và đến nay, tất cả sĩ quan của Việt Nam đều được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, đây là một thành tích rất hiếm hoi của các quốc gia gửi quân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Tôi xin nói thêm một điểm, nếu chỉ 3 – 5 đồng chí, thực hiện nhiệm vụ khoảng 1 – 2 nhiệm kỳ thì nếu không đồng bộ vẫn có thể cố gắng được, nhưng khi lực lượng duy trì lên đến 5 – 7 chục đồng chí, với khoảng 200 đồng chí đã qua một và nhiều nhiệm kỳ rồi, nhưng không đồng chí nào không hoàn thành nhiệm vụ ở mức tốt trở lên, đó là một cố gắng rất lớn. Đạt được kết quả này trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Đảng, của Chính phủ; sự chỉ đạo, chỉ huy của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhưng quan trọng nhất chính là phẩm chất của các sĩ quan của chúng ta. Chúng tôi rất tự hào về điều đó. Với những sĩ quan ấy, chúng ta sẽ giữ được hòa bình cho đất nước và cũng sẽ đánh thắng nếu đất nước có chiến tranh.

Có thể nói gìn giữ hòa bình là một lĩnh vực rất tâm huyết của Thượng tướng với vai trò thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành. Đến thời điểm này, chia sẻ về lực lượng gìn giữ hòa bình, Thượng tướng có kỳ vọng gì ở họ và mong muốn trong tương lai sẽ nhìn thấy họ là một lực lượng như thế nào?

Trong tương lai, tôi mong muốn hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam sẽ trở nên chuyên nghiệp. Hoạt động gìn giữ hòa bình sẽ là một nội dung, một mặt công tác thường xuyên của Quân đội, không còn đặc biệt mà trở thành một trong nhiều nhiệm vụ thường xuyên của Quân đội, mang tính chất, mục tiêu rõ ràng là để bảo vệ hòa bình cho đất nước bằng việc tham gia vào gìn giữ hòa bình của thế giới. Tôi tin và mong rằng tính chuyên nghiệp của chúng ta sẽ ngày càng cao hơn, ngày càng càng đi vào đời sống bình thường của xã hội, của Quân đội. Tôi hy vọng chúng ta có thể tiếp tục gửi lực lượng gìn giữ hòa bình sang một số địa bàn khác để màu cờ Việt Nam là phủ rộng hơn trên bản đồ gìn giữ hòa bình của thế giới.

Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Hiền Hạnh (thực hiện)
https://baotintuc.vn/chinh-tri/de-mau-co-viet-nam-phu-rong-hon-tren-ban-do-gin-giu-hoa-binh-the-gioi-20210317131257420.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu