Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 06:48 (GMT +7)
Đề xuất lập quỹ bồi thường oan sai độc lập
Thứ 2, 09/01/2017 | 15:13:00 [GMT +7] A A
Sáng nay (9/1), phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chính thức khai mạc. Trong phiên làm việc buổi sáng, UBTVQH thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là kinh phí bồi thường (điều 58) và lập dự toán kinh phí bồi thường (điều 59). Theo đó, có ý kiến đề nghị thành lập Quỹ bồi thường độc lập, nguồn thu của quỹ được trích từ một phần tiền phạt xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ và một số nguồn thu hợp pháp khác. Cơ quan quản lý bồi thường nhà nước quản lý, chi trả và quyết toán quỹ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình cho biết, nguồn vốn để bồi thường đang bị áp lực từ dư luận xã hội, cũng như trên diễn đàn Quốc hội có đặt ra vấn đề là tiền thuế của nhân dân đóng góp không phải là tiền để các cơ quan mang đi bồi thường cho sai phạm trong hoạt động tố tụng hình sự.
Theo Chánh án TANDTC, ở Úc có hình thành Quỹ để bồi thường oan sai, tuy nhiên, vấn đề lập quỹ ở nước ta không được các cơ chức năng ủng hộ. Ông đề nghị UBTVQH cân nhắc bởi nếu như không giải quyết được việc này thì từ nay về sau vẫn phải chịu áp lực về câu hỏi tiền thuế của dân không phải để đem đi giải quyết bồi thường.
Là cơ quan tiếp nhận, tổng hợp ý kiến của cử tri, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, điều khiến cử tri và nhân dân băn khoăn là lấy tiền ở đâu để bồi thường, nhất là tiền thuế của dân đóng góp. Do đó, cần có sự tách bạch như đề xuất lập quỹ lấy tiền từ xử phạt bồi thường để người dân khỏi băn khoăn.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, khoản tiền xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ là các khoản thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước. Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước thì “toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước” (khoản 2 Điều 8 Luật ngân sách nhà nước). Vì vậy, nếu thành lập Quỹ bồi thường độc lập thì các nguồn thu này vẫn phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó ngân sách nhà nước phân bổ cho Quỹ.
“Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc bố trí một khoản tiền để thành lập Quỹ bồi thường nhà nước cần được hết sức cân nhắc. Mặt khác, nếu thành lập Quỹ sẽ phát sinh tổ chức bộ máy biên chế, không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Vì vậy, đề nghị giữ cơ chế về chi trả bồi thường như dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, hoạt động của Nhà nước thì phải do ngân sách đảm nhiệm, dù là tiền xử phạt hay khoản thu khác cũng đều là tiền ngân sách. Việc còn lại là giải thích cho dân hiểu. “Nếu nhân danh Nhà nước mà tuyên án không đúng thì phải bồi thường và lấy nguồn từ ngân sách. Không nên lập quỹ vì ta có nhiều quỹ quá rồi, mà quỹ thì cũng hoạt động từ ngân sách”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị lượng hoá bồi thường nếu không sẽ gây tranh cãi không hồi kết. Còn về ai bồi thường thì nên quy định cấp nào ra quyết định sai thì cấp đó phải bồi thường, xin lỗi. Ngoài ra cần làm rõ trách nhiệm liên đới từ điều tra, truy tố đến xét xử để không đổ trách nhiệm, đảm bảo minh bạch.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, nhân danh Nhà nước, công quyền mà làm oan, sai thì trước mắt lấy ngân sách bồi thường để đảm bảo quyền lợi của người bị oan. Bên cạnh đó cũng xác định mức bồi hoàn tương xứng để nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh cần bàn kỹ, thận trọng dự luật này vì liên quan tới quyền lợi người dân và người thực thi công vụ. Sau phiên họp hôm nay, các cơ quan phải tiếp tục ngồi lại để tiếp thu, xử lý, sớm tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách, mời các chuyên gia cho ý kiến để báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.
Ý kiến ()