Trước tình trạng nhiều cầu vượt truyền thống tại các đô thị lớn ở Việt Nam chưa thu hút được người dân đi lại, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung vừa có đề xuất Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu với Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép thi công cầu vượt bộ hành kiểu mới.
Cầu bộ hành kiểu mới sẽ được gắn thang máy và thang cuốn, trên cầu có bố trí khu vệ sinh công cộng. Mặt cầu được thiết kế rộng hơn về bề ngang để trưng bày các quầy bán quà lưu niệm và các dịch vụ đồ dùng học tập…
Ngoài ra, cầu đi bộ sẽ được gắn điều hòa nhiệt độ và loa nhạc nhẹ tạo cảm giác thân thiện cho người dân qua lại.
Bên ngoài, cầu sẽ bố trí các đèn led chiếu sáng để hướng dẫn giao thông, trang trí quảng cáo, tạo điểm nhấn về cảnh quan đô thị theo hướng văn minh và hiện đại.
Theo đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, cầu bộ hành sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, Nhà nước bỏ vốn đầu tư 80%, còn lại là doanh nghiệp. Sau khi thi công xong, cầu sẽ được giao cho doanh nghiệp quản lý và khai thác từ các dịch vụ trên những cây cầu này.
Doanh nghiệp sẽ chi trả toàn bộ tiền điện, nước, chi phí duy tu, sửa chữa thường xuyên, lương công nhân quản lý và trông coi để giảm tải cho ngân sách thành phố.
Theo Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, hiện ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng một số cầu vượt bằng thép cắt ngang các trục đường giao thông chính dành cho người đi bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân qua lại.
Tuy nhiên, các cây cầu này vẫn chưa tạo được sự hưởng ứng của số đông người dân. Nguyên nhân chính được xác định là do độ cao của cầu tương đương với độ cao của tòa nhà 3 tầng, nên không tạo được sự thuận lợi cho những người có tuổi, phụ nữ và những người tàn tật qua lại.
Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng một số cầu bộ hành tại đường Hoàng Minh Giám (khu vực công viên Gia Định), đường Trương Định (tại công viên Tao Đàn), đường Điện Biên Phủ (trước Trường Đại học Hutech – cơ sở 2), đường Kinh Dương Vương (trước cổng Trường phổ thông trung học An Lạc), đường Nguyễn Văn Cừ (trước Trường phổ thông trung học chuyên Lê Hồng Phong), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (trước cổng Trường phổ thông trung học Hồng Hà), đường Điện Biên Phủ (trước số nhà 172C)…
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng một số cầu vượt bộ hành, rải đều các quận huyện như cầu bộ hành khu vực trước Bệnh viện Từ Dũ, quận 1, Nơ Trang Long (Bệnh viện Ung Bướu), Văn Thánh (Bình Thạnh), Suối Tiên (Thủ Đức), Nguyễn Trãi (quận 5), Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận).
Nhiều cầu bộ hành được xây dựng ngang Đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng. Nhưng, chỉ có một số cầu “phát huy” tác dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đa số cầu còn lại không được sử dụng thường xuyên, nên đã xuống cấp và trở thành nơi tập kết của rác thải và tình trạng buôn bán hàng rong./.
Ý kiến ()