Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm nhanh chóng hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu chính, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao.
Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, định hướng phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030 của đất nước, quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam sẽ gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km.
Việt Nam sẽ tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam. |
Trong đó, tuyến cao tốc Bắc – Nam được quy hoạch thành 2 tuyến Đông và Tây với tổng chiều dài khoảng 3.083 km. Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến cao tốc hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài 1.368 km; Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 3 tuyến với tổng chiều dài 264 km; Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam gồm 7 tuyến với tổng chiều dài 983 km.Theo quy hoạch được phê duyệt, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, ưu tiên các tuyến đường cao tốc nối các thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng), các tuyến ra các cảng biển lớn.
Mạng lưới đường cao tốc sẽ tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải hiện đại khác và hội nhập khu vực, quốc tế. Đường bộ cao tốc được thiết lập tách biệt nhưng phải đảm bảo liên kết được với mạng đường bộ hiện có, bảo đảm môi trường và cảnh quan; góp phần giải quyết ách tắc giao thông, trước hết tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Quy hoạch cũng chỉ rõ, các tuyến đường cao tốc phải được hoạch định với quy mô hoàn chỉnh, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có thể phân kỳ xây dựng để phù hợp với lưu lượng xe và khả năng huy động nguồn vốn, nhưng phải tiến hành quản lý quỹ đất để hạn chế chi phí giải phóng mặt bằng sau này./.
Ý kiến ()