Thứ Sáu, 29/11/2024 16:28 (GMT +7)

Dịch vụ Uber trên thế giới: Nơi cấm cửa, nơi ủng hộ

Thứ 2, 16/10/2017 | 10:30:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Uber bị cấm tại hàng loạt thị trường châu Âu, phải rút lui khỏi nhiều thị trường lớn nhưng cũng nhận được sự ủng hộ tại các nước châu Á.

Dù chỉ mới thành lập 8 năm, song Uber đã vươn lên trở thành một trong những startup thành công nhất, được định giá cao nhất thế giới. Mô hình hoạt động của các ứng dụng gọi xe như Uber/Grab nhanh chóng tạo ra cuộc cách mạng trong ngành taxi truyền thống, nhưng cũng vì thế mà gây nhiều tranh cãi. Điều này thể hiện ở cách ứng xử và quản lý Uber rất khác nhau ở các nước.

dich vu uber tren the gioi: noi cam cua, noi ung ho hinh 1
Uber bị cấm tại hàng loạt thị trường châu Âu nhưng lại nhận được sự ủng hộ tại các nước châu Á (Ảnh minh họa: KT)

Nhóm nước cấm cửa tuyệt đối

Mới đây, London (Anh) đã tuyên bố sẽ không gia hạn giấy phép hoạt động (hết hạn ngày 30/9 vừa qua) cho Uber, với lý do cách thức hoạt động hiện tại của hãng không đảm bảo an toàn cho hành khách.

Cảnh sát London cáo buộc Uber đã không trình báo những vụ tấn công tình dục xảy ra với hành khách chỉ để bảo vệ danh tiếng của mình. Uber cũng bị tố sử dụng phần mềm Greyball để ngăn nhà chức trách phát hiện hãng đang hoạt động chui tại những địa điểm chưa được cấp phép.

Đây cũng chính là phần mềm đã khiến Uber bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra hồi tháng 5/2017 khi chính quyền bang Portland cáo buộc Uber đã từ chối 29 lần lần đặt xe của những người làm trong chính quyền địa phương thông qua nhận diện bằng Greyball.

Ngoài London (Anh), Italia cũng sẽ sớm cấm cửa Uber sau khi các nhà làm luật khẳng định cách thức kinh doanh của hãng này “cạnh tranh không lành mạnh”. Dịch vụ của Uber bị chặn và hãng cũng không được phép quảng cáo. Dù hãng vẫn có thể duy trì hoạt động cho đến khi Tòa án tối cao ra phán quyết, song đó chỉ còn là chuyện 1 sớm 1 chiều.

Tại tất cả các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, mô hình hoạt động của dịch vụ gọi xe giá rẻ UberPop (kết nối hành khách với tài xế tư nhân không có giấy phép hành nghề taxi) không được pháp luật cho phép. Vì thế, hãng đã phải rút dịch vụ này tại toàn bộ bán đảo Scandinavi.

Khá nhiều xe UberPop đã bị nhà chức trách truy quét và thu giữ trong những tháng qua. Kể cả khi Uber tạm dừng dịch vụ, hệ lụy để lại cho tài xế vẫn rất nặng nề: họ có thể phải đối mặt với việc bị tịch thu giấy phép lái xe, thậm chí cả xe.

Tương tự, dịch vụ UberPop của Uber cũng đang bị cấm tại Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Hungary…

Không cấm nhưng siết chặt quy định

Nhiều quốc gia chọn giải pháp dung hòa hơn khi không cấm tuyệt đối Uber, nhưng để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa ứng dụng này với taxi truyền thống, các nhà làm luật đã ban hành bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến chất lượng xe, tài xế và sự an toàn cho hành khách.

Chẳng hạn như Đan Mạch đã thông qua luật mới yêu cầu tất cả các xe taxi, dù truyền thống hay công nghệ, đều phải có đồng hồ tính tiền. Một thời gian sau, Uber tuyên bố tự rút khỏi thị trường này.

Hay như chính quyền thành phố Texas (Mỹ) cũng yêu cầu Uber phải lấy dấu vân tay và kiểm tra kỹ lý lịch của tất cả các tài xế đang chạy cho mình. Để phản đối, Uber đã quyết định dừng hoạt động với lý do quy định này chẳng cải thiện được mấy sự an toàn cho hành khách.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), dịch vụ của Uber tạm dừng một thời gian sau khi Uber đối mặt với án phạt trị giá hàng triệu USD từ chính quyền. Tuy nhiên sau đó, hãng đã đạt được thỏa thuận sử dụng các đại lý cho thuê xe nhưng hoạt động dưới thương hiệu Uber và nối lại hoạt động.

Mở cửa với mô hình Uber

Estonia là quốc gia đầu tiên tại châu Âu hợp pháp hóa mô hình gọi xe giá rẻ và đi chung xe kiểu Uber, trong khi Arab Saudi công khai gọi Uber là “dịch vụ có thể thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện bình đẳng giới”, khi nhiều nữ tài xế được tuyển dụng để chạy xe Uber – điều mà họ không thể làm được với taxi truyền thống.

Trong những thông cáo phát đi của mình, Uber cũng luôn khẳng định hãng được chào đón tại các thị trường đang phát triển, đặc biệt là tại châu Á. Ở khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Thái Lan là nước cấm sử dụng xe tư nhân vào mục đích thương mại, mô hình Uber/Grab đang mở rộng rất nhanh tại Singapore, Indonesia, Myanmar, Việt Nam…

Trung Quốc lại là một trường hợp khá đặc biệt. Nước này thậm chí rất chào đón mô hình taxi công nghệ, với sự nổi lên của 4 thương hiệu lớn là Uber Trung Quốc, Didi Chuxing, Ucar và Idao Yongche, cạnh tranh quyết liệt và đè bẹp taxi truyền thống. Trong giai đoạn hoàng kim năm 2015, một tài xế Uber có thể bỏ túi tới 30.000 NDT (hơn 100 triệu đồng/tháng).

Tuy nhiên, tháng 10/2016, Uber đã bất ngờ tuyên bố bán lại cho Didi Chuxing, rút khỏi thị trường này vì không thể cạnh tranh được về giá./.

CTV Khánh Long/VOV.VNTheo Bloomberg, Reuters, SCMP, TechCrunch

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu