Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 22:41 (GMT +7)
Diễn biến COVID-19 tại những điểm dịch ‘nóng’ nhất thế giới
Thứ 4, 02/12/2020 | 15:45:00 [GMT +7] A A
Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ nghiêm trọng chưa từng thấy. Các nước châu Âu phải siết chặt phòng dịch trong làn sóng thứ hai nhưng định nới lỏng vào dịp Giáng sinh. Trong khi đó, một số quốc gia ASEAN vẫn đang chật vật kiểm soát dịch bệnh.
Mỹ có tới trên 4 triệu ca mắc trong một tháng
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 27/11. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CBS News (Mỹ), Mỹ ghi nhận trên 4 triệu ca mắc COVID-19 trong tháng 11. Con số này cao hơn tổng số ca mắc trong cả năm của mọi quốc gia trên thế giới, trừ Ấn Độ và Brazil.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Mỹ đã có trên 14,1 triệu ca bệnh, trong đó trên 276.000 ca tử vong (tính tới ngày 2/12). Mỹ là nước có nhiều ca mắc và tử vong nhất thế giới. Tổng số ca tử vong ở Mỹ chiếm gần 20% tổng số ca tử vong toàn cầu.
Trong tháng 11, Mỹ ghi nhận một số kỷ lục buồn về dịch bệnh COVID-19 khi mà số ca mắc hàng ngày lần đầu tiên vượt mốc 100.000 vào ngày 4/11 và vượt mốc 200.000 vào ngày 28/11. Mỹ cũng ghi nhận trên 90.000 ca nhập viện lần đầu tiên trong tháng 11. Các bệnh viện ở nhiều cộng đồng đã hoạt động hết công suất hoặc gần hết công suất, dấy lên mối lo ngại về quá tải khi bệnh nhân tiếp tục nhập viện ngày càng nhiều.
Ngày 24/11 là ngày Mỹ chứng kiến nhiều người chết vì COVID-19 nhất kể từ tháng 5 khi số ca tử vong ở trên 2.100 ca. Khoảng một nửa trong 50 bang ở Mỹ đều ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao nhất từ trước tới nay, khiến nhiều bang phải áp dụng lại hoặc bổ sung các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế tốc độ dịch bệnh lây lan.
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở bang California, Mỹ ngày 24/11.
Ảnh: AFP/TTXVN
Các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục chứng kiến những con số cao kỷ lục trong tháng cuối cùng năm 2020, tháng có nhiều ngày nghỉ lễ. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, cho biết giới chức đã cố gắng truyền thông điệp tới người dân rằng không tụ tập đông người, nhưng số liệu của ngành du lịch cho thấy nhiều người Mỹ không nghe theo lời kêu gọi ở nhà. Hàng triệu người Mỹ đã di chuyển nhiều nơi trong suốt kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn (26/11). Vào ngày Thứ Sáu đen (27/11), các nhà bán lẻ đã đón lượng khách lớn xếp hàng chờ mua hàng giảm giá qua đêm cho dù chính phủ và các doanh nghiệp kêu gọi người dân mua sắm trực tuyến.
Trong bối cảnh dịch bệnh ảm đạm đó, tia hy vọng duy nhất là tiến triển trong phát triển vaccine ngừa COVID-19. Ba loại vaccine đã đạt hiệu quả hơn 90% trong thử nghiệm lâm sàng và đợt tiêm chủng đầu tiên ở Mỹ dự kiến bắt đầu vào tháng 12 sau khi Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp. Có thể có đủ vaccine cho từ 25 đến 30 triệu người Mỹ/tháng trong năm 2021. Dù vậy, Mỹ vẫn sẽ chứng kiến những diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng hơn trước khi vaccine được phân phối rộng rãi. Tổng số ca tử vong ở Mỹ có thể lên tới 321.000 vào giữa tháng 12.
Châu Âu: Một số nước định nới lỏng phòng dịch dịp Giáng sinh
Đường phố tại Paris, Pháp, được trang hoàng rực rỡ đón Giáng sinh ngày 22/11. Ảnh: THX/TTXVN
Theo VOA News, dưới sức ép của dư luận, vào dịp Giáng sinh sắp tới, một số nước châu Âu sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế đang được áp dụng để phòng chống COVID-19.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng các quốc gia châu Âu cần phối hợp trong giảm bớt các biện pháp hạn chế. Bà nói: “Điều này sẽ rất quan trọng để tránh rủi ro xảy ra làn sóng dịch bệnh nữa”.
Mặc dù bà Leyen kêu gọi phối hợp hành động, nhưng các nước đều tự quyết định cách làm riêng. Nhiều chính phủ châu Âu cho biết họ không có nhiều lựa chọn ngoài việc nới lỏng phòng dịch, sợ rằng nếu duy trì các quy định nghiêm ngặt thì người dân cũng sẽ phớt lờ. Giới chức lo ngại những người có họ hàng lớn tuổi, không còn được hưởng nhiều Giáng sinh nữa sẽ không tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Cụ thể, Pháp sẽ nới lỏng quy định phong tỏa trước Giáng sinh. Các doanh nghiệp nhỏ được mở cửa trở lại, các địa điểm tôn giáo được tổ chức lễ cho nhiều nhất là 30 người. Pháp cũng sẽ cho phép người dân đi khỏi nơi ở 20km thay vì 1km như hiện nay.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 1/12. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ đô Madrid ở Tây Ban Nha có thể cho người dân tổ chức tiệc giới hạn với 6 người tham gia, khuyến khích tổ chức các cuộc tụ họp trước Giáng sinh ở ngoài trời.
Đức vẫn sẽ áp dụng chiến lược chống dịch hiện nay nhưng Thủ tướng Angela Merkel đã đồng ý tạm nới lỏng phòng dịch dịp Giáng sinh khi cho phép tụ tập 10 người từ ngày 23/12 tới Năm Mới.
Tại Anh, cả bốn vùng gồm England, Scotland, Wales và Bắc Ireland đều có kế hoạch điều phối quy định chống dịch dịp Giáng sinh và sẽ nới lỏng đôi chút trong mùa nghỉ lễ. Ở England, người dân sẽ được tổ chức tiệc quy mô ba hộ gia đình trong 5 ngày, nhưng các hộ gia đình không thể gặp mặt trong không gian kín như quán rượu, khách sạn, nhà hàng… Lễ ở nhà thờ sẽ không bị áp dụng biện pháp hạn chế vào dịp Giáng sinh.
Trong khi một số quốc gia sẽ cho phép tụ tập đông người hơn và để người dân đi lại, nhưng cũng có những nước, ví dụ như Italy, chưa biết sẽ phải nới lỏng biện pháp phong tỏa, dỡ bỏ giờ giới nghiêm ở mức độ nào. Họ sợ nếu lễ Giáng sinh vui vẻ thì Năm Mới 2021 sẽ khốn đốn vì dịch bệnh. Các nhà khoa học châu Âu cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 có thể tăng gấp đôi nếu các chính phủ cho phép người dân quá tự do vào Giáng sinh.
ASEAN: Nhiều nước chưa kiểm soát được dịch bệnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 23/11. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, mặc dù tình hình dịch bệnh không nghiêm trọng bằng Mỹ và châu Âu, nhưng một số quốc gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn chưa thể kiểm soát tình hình. Trong thời gian gần đây, bốn quốc gia gồm Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar liên tục ghi nhận trên 1.000 ca mắc/ngày. Trong đó, Indonesia ghi nhận số ca mắc hàng ngày nhiều nhất, thường xuyên ở mức 4.000-5.000 ca mắc mới/ngày, thậm chí có ngày còn trên 6.000 ca mắc mới. Với những dữ liệu này, Indonesia hiện là quốc gia ASEAN có diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng nhất khối, đứng đầu cả về tổng số ca mắc và tổng số ca tử vong.
Tại Philippines, dịch COVID-19 vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới trên 1.000 ca/ngày. Tại Malaysia, tình hình ngày càng đáng quan ngại khi làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia. Nước này ghi nhận 1.472 ca bệnh mới trong ngày 1/12.
Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách trước khi lên xe buýt tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Dịch bệnh tại Myanmar cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Trong ngày 1/12, số ca tử vong vì COVID-19 ở Myanmar đã vượt Philippines. Chỉ sau một thời gian ngắn, cả tổng số ca mắc và tử vong ở Myanmar đã tăng lên mức cao thứ ba ASEAN, chỉ sau Indonesia và Philippines.
Tại Campuchia, Bộ Y tế thông báo phát hiện thêm 3 trường hợp mắc COVID-19 liên quan “sự kiện cộng đồng 28/11” – vụ lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được phát hiện ở Campuchia ngày 28/11 vừa qua. Liên quan “sự kiện cộng đồng ngày 28/11”, Bộ Y tế Campuchia đã xét nghiệm hàng nghìn người liên quan và kết quả xét nghiệm cho thấy có 17 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho biết bộ này đang nỗ lực truy vết để nhanh chóng xét nghiệm những trường hợp liên quan “sự kiện cộng đồng ngày 28/11” trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại Phnom Penh và Siem Reap.
https://baotintuc.vn/the-gioi/dien-bien-covid19-tai-nhung-diem-dich-nong-nhat-the-gioi-20201202113708230.htm
Ý kiến ()