Đã thành thông lệ, cứ tới trước Tết Nguyên đán chừng 10 ngày, những cành đào rừng từ muôn nẻo lại đổ về khoe sắc thắm trên tuyến đường dọc bờ sông Nậm Rốm của thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Tết Bính Thân năm nay, dù mới trải qua đợt rét lịch sử khiến nhiều địa phương chìm trong băng giá, nhưng đào rừng không vì thế mà phai nhạt sắc Xuân trên mảnh đất lịch sử này.
Trong tiết trời se lạnh của đợt rét thứ hai đang đổ về phố núi, dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, thành phố Điện Biên Phủ đang ngập trong sắc hoa đào rừng được bày bán trên vỉa hè dọc hai bên đường. Chẳng biết tự bao giờ, tuyến đường này đã trở thành nơi hội tụ của đào rừng mỗi khi Xuân về.
Hàng trăm cây, cành đào từ khắp các địa phương trong tỉnh đã đổ về đây, kéo dài gần 1km phục vụ nhu cầu của người dân phố núi nơi đây. Chủ nhân của chúng hầu hết là đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đưa đào từ trong rừng sâu, hay trong vườn nhà đem đến đây bày bán.
Bắt gặp anh Lê Văn Tuyền, trú tại phường Thanh Trường đang chăm sóc một cây đào cổ thụ dễ đến vài chục năm tuổi, có thân lớn như cái cột nhà.
Anh Tuyền cho biết cây đào này được anh đánh cả gốc từ một đám nương trên huyện Tủa Chùa, cách thành phố Điện Biên Phủ trên 100km. Để mang được đào về đây, anh đã phải thuê 5 người đào gốc và huy động 30 người khiêng cây đào ngược khe núi đưa lên xe tải chở về đây.
Theo anh Tuyền, đây là cây đào rừng cổ thụ, chỉ phù hợp với nhà có sân rộng, trồng xuống có thể chơi trong nhiều năm. Do cây quá lớn, nên kén người mua. Hiện mới chỉ có người đến ngắm chưa chưa ai hỏi mua. Anh đang dự định bán nó với giá 25 triệu đồng.
Đối với những cành đào nhỏ được bán với giá phù hợp túi tiền của nhiều người. Chị Hoàng Thị Nọi ở bản Mớ, phường Thanh Trường cho biết đào năm nay rẻ hơn những năm trước và cũng không đẹp do vừa phải trải qua một đợt rét đậm. Cành to và đẹp sẽ bán với giá 7-8 triệu đồng, cành nhỏ bán từ 100.000 đến 200.000 đồng. Mỗi năm, mang cành đào xuống bán, gia đình chị cũng kiếm được trên dưới chục triệu, đủ tiền để sắm Tết.
Cái thú chơi hoa của người Điện Biên vẫn nghiêng về đào đào rừng. Hiện bích đào được chở từ các tỉnh miền xuôi lên, hay từ các vườn cây trong khu vực thành phố được bày bán khá nhiều và giá cả cũng khá hợp lý, chỉ khoảng 500.000 đến 600.000 đồng cho mỗi gốc, nhưng người chơi vẫn không mặn mà lắm.
Bởi vậy, chợ đào rừng tự phát bên sông Nậm Rốm vẫn là nơi hút khách đến. Đào rừng “hút hồn” người chơi bởi cái dáng phong sương, mốc meo hoang dại; bởi sắc hồng không rực rỡ nhưng thanh khiết mà dịu dàng được trời đất ban tặng.
Cụ Đỗ Quý Đông ở phường Thanh Bình đang chọn một cành đào rừng nhỏ về chơi Tết nói: “Tôi đi sắm đào về trang trí cho ngày Tết. Năm nay, thị trường đào khá phong phú, có cả đào Nhật Tân và đào rừng để mọi người lựa chọn.”
Ban đầu, chợ đào rừng ven sông Nậm Rốm được hình thành bởi một vài người từ các bản làng trên núi, trên đường xuống chợ, cắt vài cành đào của vườn nhà xuống bán lấy ít tiền sắm Tết. Lâu dần, khu vực này đã trở thành khu chợ Tết tự phát trong nửa tháng trước Tết rồi tự giải tán.
Năm nay, nhiều hộ kinh doanh mang cả quất cảnh, bích đào hay các loại hoa quả để bày mâm ngũ quả đến khu chợ này bày bán. Từ đó hình thành nên một điểm giao lưu, trao đổi hàng hóa rất tự nhiên của phố núi này.
Chợ đào rừng ở đây hội tụ đủ các giống đào từ nhiều địa phương đưa tới như đào tuyết từ vùng núi cao băng giá của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu; đào đá được đưa về từ cao nguyên đá Tủa Chùa; đào mốc đến từ những cánh rừng già của Điện Biên Đông; đào phai từ những khu vườn của các bản làng xung quanh vùng lòng chảo Điện Biên Phủ./.
Ý kiến ()