Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 30/11/2024 00:30 (GMT +7)
Điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện: Đối tượng nào chịu ảnh hưởng mạnh nhất?
Thứ 4, 15/11/2017 | 11:25:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Đối tượng khách hàng sử dụng điện là các cơ sở lưu trú du lịch sẽ chịu tác động mạnh nhất trong lần thay đổi cơ cẩu biểu giá điện lần này.
Bộ Công Thương đang Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) về sự cần thiết của việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cũng như những điểm mới trong Dự thảo này.
PV: Xin ông cho biết vì sao Bộ Công Thương phải Dự thảo điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thực hiện quy định tại Điều 31 của Luật Điện lực, ngày 7/4/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg đã tạo cơ sở pháp lý cho việc điều hành hiệu quả, linh hoạt giá bán điện cho các nhóm khách hàng trong thời gian qua.
Các nguyên tắc và cơ chế được phê duyệt tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg đã kịp thời đưa ra cơ chế hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; giá điện tại nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được áp dụng giá điện thống nhất toàn quốc nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội của nhà nước.
Đồng thời căn cứ vào cơ cấu biểu giá tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg và mức giá bán điện bình quân được duyệt, Bộ Công Thương đã quy định chi tiết giá bán lẻ điện cho các đối tượng khách hàng áp dụng toàn quốc.
Sau 3 năm thực hiện, Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg đã đem lại hiệu quả cao trong công tác điều hành giá bán điện. Việc kết hợp đồng bộ cơ chế điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và các cơ chế kiểm tra, giám sát đã tạo ra một cơ chế quản lý, điều hành giá bán điện ngày càng minh bạch và rõ ràng hơn.
Ngày 17/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong đó có nội dung hoàn thiện thể chế, chính sách “điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất”.
Với yêu cầu như vậy, đồng thời cần thiết rà soát để hiệu chỉnh cơ cấu biểu giá phù hợp với thực tế sử dụng điện hiện nay nên Bộ Công Thương nhận thấy cần thiết phải rà soát để sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán điện.
PV: Ông có thể cho biết những điểm mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện lần này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Các điểm mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện dự kiến gồm: Thứ nhất, giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch được điều chỉnh bổ sung để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 17/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó đối tượng “cơ sở lưu trú du lịch” được hưởng cơ chế giá mới.
Thứ hai là điểm mới về cấu trúc biểu giá. Để đơn giản hóa trong việc áp dụng, phù hợp với việc áp dụng quy định về hệ thống điện phân phối (Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 của Bộ Công Thương về hệ thống điện phân phối), cần thiết gộp giá điện theo các cấp điện áp gồm cao áp (trên 35 kV); trung áp (trên 0,1 kV đến dưới 35 kV) và hạ áp (đến 0,1 kV) cho nhóm khách hàng sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh.
PV: Với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới nếu được thông qua, đối tượng nào sẽ bị tác động mạnh nhất, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Ngày 17/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong đó có nội dung hoàn thiện thể chế, chính sách “điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất”. Vì vậy, đối tượng khách hàng sử dụng điện là các cơ sở lưu trú du lịch sẽ chịu tác động mạnh nhất trong lần thay đổi cơ cẩu biểu giá điện lần này. Giá bán điện hiện đang áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch là giá bán điện kinh doanh ở mức cao hơn so với giá bán điện cho sản xuất.
PV: Trước luồng ý kiến về khả năng sẽ tăng giá điện trong năm nay, với điều kiện không làm ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa trên thị trường, Bộ Công Thương sẽ thực hiện kế hoạch này như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Thực hiện Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo EVN trên cơ sở thực tế sản xuất kinh doanh điện 9 tháng đầu năm 2017 và ước cả năm 2017, tính toán giá bán điện bình quân năm 2017 báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét theo quy định.
Căn cứ các phương án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản điều hành giá điện 2017 và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Công Thương hiện đang hoàn thiện dự thảo Báo cáo về kịch bản điều hành giá điện năm 2017 theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, tác động của các phương án đề xuất tới việc tăng chỉ số giá tiêu dùng và giảm tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước là không đáng kể, sau đó sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Ý kiến ()