Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 15:30 (GMT +7)
Điêu khắc gỗ – Sự thăng hoa từ đôi bàn tay
Thứ 3, 03/01/2017 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Điêu khắc gỗ – nghề vô cùng gần gũi, quen thuộc nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Phải có năng khiếu, lòng đam mê cùng sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi, người thợ mới có thể “chạm” đến sự thăng hoa trong từng tác phẩm, đưa khối gỗ vô tri trở nên sống động và lan truyền cảm xúc đến người thưởng lãm.
Anh Võ Văn Út đang điêu khắc tượng Quan âm. Ảnh: Phạm Ngân
Thành công từ niềm đam mê
Cũng là tạo tác trên gỗ, nhưng khác với nghề thợ mộc – nghề điêu khắc cần sự khéo léo, óc sáng tạo và “đôi mắt” nghệ thuật nhiều hơn. Khác với quá trình tạo ra chiếc ghế, chiếc bàn hay tủ quần áo theo kiểu dáng rập khuôn, mỗi tác phẩm điêu khắc ra đời là duy nhất. Tuy có thể cùng kích thước, hình dáng nhưng cái “thần”, cái “hồn” của mỗi tác phẩm đều có sự khác biệt. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ, khối gỗ vô tri dần trở nên đầy sức sống. Có dịp được quan sát quá trình điêu khắc, sẽ thấy được sự tỉ mỉ, kỳ công của người thợ tài hoa.
Anh Đoàn Tấn Thơi (thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) chỉ hơn 40 tuổi nhưng có trên 25 năm gắn bó với nghề điêu khắc gỗ. Anh kể, khi còn nhỏ, dù là con nhà nông nhưng anh đam mê vẽ và vẽ rất đẹp. Học hết lớp 9, anh quyết định theo thầy Bảy Hải (phường 3, TP.Tân An) học nghề điêu khắc. Sau bao nhiêu năm học nghề, ra nghề, làm công, đến nay, anh gầy dựng được một cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ tại gia đình ở thị trấn Tân Trụ. Có xưởng mộc tại nhà, anh được các chủ trại mộc khác trong huyện đặt hàng chạm khắc gỗ,…
Có tay nghề cộng với niềm đam mê, sản phẩm của anh được mọi người biết đến ngày càng nhiều. Khách hàng cũng bắt đầu đặt anh tạc tượng Phật. Những sản phẩm đầu tay do chưa có kinh nghiệm nên ít sống động. Vậy là anh bỏ công tìm đến các bậc đàn anh tiếp tục học thêm. Đến nay, tượng Phật do anh tạc được nhiều nơi thờ tự đặt hàng. Anh còn tạo ra các bức tranh hình mai, lan, cúc, trúc; lục bình gỗ hình bông hoa các loại. Năm 2012, anh được công nhận danh hiệu Thợ giỏi.
Anh Thơi cho biết, nghề chạm khắc hầu hết các công đoạn đều bằng thủ công. Vì vậy, khi chọn gỗ cũng phải thật tỉ mỉ, ít cong vênh, có độ dẻo, dai, khi khô không nứt và không bị mối, mọt. Bên cạnh đó, người thợ phải có sự khéo léo để các nét đục, chạm phải sắc, hình dáng, chi tiết của bản chạm khắc phải sinh động, có “hồn”,… Người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ đây là nghề khó theo đuổi nhưng sẽ dễ dàng với những ai có niềm đam mê. Bản thân anh có nghề cũng nhờ đam mê và ham học hỏi. Anh đang truyền nghề cho hàng chục học trò để phát triển nghề nghiệp.
Còn tại xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, vợ chồng anh Võ Văn Út – chị Lưu Kim Lạc được nhiều người trong giới biết đến với khả năng không chỉ điêu luyện trong lĩnh vực chạm tượng mà còn có thể vẽ trang trí trên những tượng gỗ ấy. Cha anh Út vốn là thợ mộc nên từ nhỏ, mùi phay bào, bụi gỗ,… trở nên quen thuộc đối với anh. Lớn lên, anh quyết định tiến xa hơn cha mình một bước khi theo đuổi nghề chạm khắc. Sinh năm 1975 nhưng anh có trên 25 năm theo nghề. Và, hạnh phúc được nhân đôi khi người bạn đời của anh cũng sẵn sàng đồng hành để phát triển nghề vẽ tượng, vẽ hoa văn trên tác phẩm bên cạnh điêu khắc truyền thống.
Anh Nguyễn Văn Dũng bên bức tượng thành phẩm
Giữ lấy nghề
Còn nhớ, cách đây gần 10 năm, nhờ cơ duyên được một sư thầy tạo điều kiện cho học lỏm cách vẽ tượng Phật. Khi được nghe thuyết giảng về ý nghĩa của trang phục, nét mặt, dáng dấp của Đức Phật, anh chị rất hào hứng và quyết tâm chinh phục lĩnh vực này. Vừa làm việc để có thu nhập, vừa lặn lội đường xa đi học rồi về thực hành vô cùng vất vả. Một thời gian sau, anh chị có được những tác phẩm tương đối hoàn chỉnh, được nhiều người đón nhận.
“Hoa văn trên trang phục của Đức Phật phải khác với người phàm, do đó, chúng tôi phải biết cách phối màu vừa chìm vừa nổi, màu nền nhạt vừa đủ để bật lên được hoa văn. Cái khó trong vẽ trang trí là tác phẩm phải có được cái “hồn”, sắc diện của Phật phải có sự tĩnh tâm, hoan hỉ. Nhìn cùng một bức tượng Phật, người xem phải cảm nhận được cái nghiêm nghị mà bao dung, hiền từ nhưng cứng rắn với cái xấu, cái ác” – anh Út chia sẻ.
Đến nay, anh Võ Văn Út “lận lưng” được khá nhiều giải thưởng như: Nhiều lần có tác phẩm được bình chọn Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh; đoạt giải cao trong các hội thi sinh vật cảnh Long An; cuộc thi Sáng tạo tác phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai,…
Với những thành tích trên, năm 2015, anh được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Thợ giỏi (năm 2015) và Nghệ nhân (năm 2016), vợ anh – chị Lạc cũng được công nhận Thợ giỏi (năm 2015). Không giấu nghề, anh chị mong muốn sẻ chia, duy trì và phát triển nghề điêu khắc, kết hợp vẽ trang trí cho những người có nhu cầu mà không thu học phí. Đặc biệt, anh còn hy vọng sẽ được dạy nghề cho các học viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Long An, giúp họ có “cần câu” cơm, vừa truyền thụ những kỹ năng, kỹ xảo độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc kết hợp vẽ trang trí mà còn góp phần giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.
Những nghệ nhân sống hết mình vì nghệ thuật điêu khắc vẫn sẵn sàng truyền thụ để duy trì, phát huy nghề nghiệp
Một nghệ nhân điêu khắc với thế mạnh về các sản phẩm tượng cá chép, cá ngân long phong thủy và tượng Phật là anh Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1965), ngụ phường 6, TP.Tân An. Theo anh, tác phẩm điêu khắc phải hội tụ được cái “hồn”, cần có sự uyển chuyển cùng bố cục hợp lý. Muốn vậy, người thợ phải có óc quan sát, học hỏi và ghi nhớ từ thực tế cuộc sống. Để chạm một con cá ngân long hay cá chép, bắt buộc người thợ phải quan sát kỹ từ dáng bơi, vây, đuôi chuyển động thế nào, cách đớp mồi ra sao hay dáng đi đứng, ngồi, nằm, ánh mắt, nụ cười của tượng Phật, Quan Công,… phải tạo được sự thu hút cho người xem bằng những chi tiết sống động, chất chứa cái “hồn” của tác phẩm.
Với những nỗ lực của mình, anh đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi lớn trong và ngoài tỉnh, được tặng danh hiệu Thợ giỏi (năm 2013) và Nghệ nhân (năm 2014). Hơn 30 năm gắn bó với nghề, giờ đây, cái dùi, cái đục cũng quan trọng như hơi thở, là một phần trong cuộc sống của anh. Anh Dũng luôn mong muốn được truyền nghề lại cho thế hệ mai sau, đặc biệt là những người có tâm huyết, lòng đam mê và năng khiếu để nghề không bị mai một, thất truyền.
Dưới đôi tay chai sần, thô kệch, những hoa văn, đường nét uyển chuyển, sống động trên nền gỗ vô tri, khô cứng lần lượt hiện ra. Những gốc cây, thân gỗ xù xì không sức sống bỗng được “hóa thân” khi “thấm” những giọt mồ hôi của người thợ. Mỗi người thợ khi tạo tác ra một bức tượng, tấm phù điêu hay chiếc lục bình đều gửi gắm cả cái “tâm” của mình trong đó. Càng quý hơn nữa khi những người thợ – người nghệ sĩ ấy chẳng một ai “giấu nghề” cho riêng mình. Tất cả họ đều mong muốn truyền thụ hết tinh hoa cho thế hệ tương lai, để nghề điêu khắc vững vàng tồn tại và ngày càng bay cao, bay xa trên con đường nghệ thuật.
– Đến thời điểm hiện tại, Long An có 7 nghệ nhân và 52 thợ giỏi trong nghề điêu khắc gỗ được UBND tỉnh công nhận. – Thời gian qua, Chương trình Khuyến công địa phương xây dựng nhiều đề án hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, trang thiết bị vào quá trình làm nghề, truyền nghề và tham gia rất nhiều hội chợ triển lãm hàng năm. – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp – Nguyễn Văn Bôn nhận định: Việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi trong ngành thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là điêu khắc gỗ nhằm kịp thời phát hiện, tôn vinh và có kế hoạch bảo tồn, duy trì và hỗ trợ hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, đối với những nghệ nhân, thợ giỏi khi được tôn vinh, thừa nhận tay nghề, danh hiệu là động lực để họ không ngừng sáng tạo, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn và tham gia giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục triển khai công tác xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương trong ngành thủ công mỹ nghệ; có chính sách ưu tiên thụ hưởng cũng như xúc tiến kết nối cung – cầu, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị để họ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh./. |
Mai Hương – Phạm Ngân/ Báo Long an Online
Ý kiến ()