Tuy nhiên, với hàng loạt biện pháp về kinh tế và y tế công cộng được đánh giá có hiệu quả hàng đầu thế giới của Chính phủ, Việt Nam đã sớm mở lại hoạt đồng đầu tư, kinh doanh.
Với xu hướng đó, tâm lý tích cực của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu bắt đầu hồi phục trở lại, ghi nhận mức tăng 7 điểm phần trăm từ tháng 2-4/2020, đạt ngưỡng 34%.
Bên cạnh đó, hơn 25% các doanh nghiệp châu Âu đã được hưởng lợi từ việc hoãn thuế của Chính phủ, trong khi khoảng 20% đã được hưởng lợi từ việc giảm tiền thuê đất và tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.
Kết quả khảo sát chỉ số BCI cũng cho thấy, dù môi trường đầu tư, kinh doanh có những dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại thách thức đối với doanh nghiệp châu Âu. Điển hình là 88% doanh nghiệp tham gia khảo sát báo cáo rằng, doanh nghiệp của họ chịu tác động tiêu cực do hậu quả của đại dịch.
Ngoài ra, hơn 50% doanh nghiệp đánh giá việc giảm thuế như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng sẽ giúp họ hồi phục tốt hơn từ cuộc khủng hoảng.
Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho biết, khảo sát BCI lần này là bằng chứng thể hiện Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công trên thế giới về ứng phó với đại dịch Covid-19, cho thấy việc xử lý hiệu quả và chắc chắn của Chính phủ đã có tác động rõ rệt và củng cố thêm niềm tin của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu.
“Thử thách tiếp theo sẽ là thích nghi với trạng thái ’bình thường mới’ khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra ở các quốc gia khác, trong khi thương mại toàn cầu vẫn cần thiết cho tăng trưởng kinh tế trong nước”, ông Nicolas Audier nói.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cũng cam kết sẽ tiếp tục quảng bá môi trường kinh doanh của Việt Nam với các doanh nghiệp châu Âu để nhiều nhà đầu tư châu Âu đến Việt Nam làm ăn, kinh doanh hơn nữa.
Theo các chuyên gia, tới đây, khi EVFTA có hiệu lực, dòng vốn đầu tư từ châu Âu cũng sẽ vào Việt Nam nhiều hơn để hưởng các ưu đãi./.
Ý kiến ()