Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 14:41 (GMT +7)
Doanh nghiệp chi chưa đến 5% doanh số cho phát triển thương hiệu
Thứ 5, 22/06/2017 | 10:54:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Có đến 80% doanh nghiệp đầu tư chưa đến 5% doanh số cho việc phát triển thương hiệu nên sản phẩm chưa được nhiều người biết đến.
Tại hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua phát triển thương hiệu do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/6, các chuyên gia đã thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh thực trạng và khuynh hướng phát triển thương hiệu Việt Nam, khuynh hướng tiêu dùng và sử dụng thương hiệu Việt Nam, vai trò của chỉ dẫn địa lý trong phát triển thương hiệu và đặc biệt là giải pháp phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp.
Bà Đào Thúy Hà, Giám đốc Marketing Công ty CP Traphaco cho biết, trong những năm qua, công tác xây dựng thương hiệu luôn công ty thực hiện thông qua việc phát triển các vùng dược liệu sạch, xây dựng hệ thống quản trị kênh phân phối theo phương pháp hiện đại, sử dụng các công nghệ tiên tiến trong việc thực hiện các cách thức để đưa thuốc đến tay người dân được tốt nhất.
“Vẫn có đến 80% doanh nghiệp đầu tư chưa đến 5% doanh số cho việc phát triển thương hiệu. Do đó, sản phẩm Việt dù có chất lượng cao vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế”, bà Hà cho biết.
Thực trạng và khuynh hướng phát triển thương hiệu Việt Nam được các chuyên gia bàn thảo tại hội thảo. |
Nhiều chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức đến chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu, và yếu tố đầu tiên cần quan tâm đó là xu hướng tiêu dùng.
Bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc Nielsen Việt Nam cho cho biết, có đến 80 – 90% ý kiến người tiêu dùng nói rằng, nguồn gốc nhãn hiệu cũng quan trọng hoặc quan trọng hơn các quá trình điều khiển mua sắm khác. Do đó, chiến lược của doanh nghiệp cần phải xem khuynh hướng người tiêu dùng với các nhóm khách hàng cụ thể, quan tâm đến các đối thủ cạnh tranh để có chiến lược để phát triển dài hạn.
“Doanh nghiệp cần quan tâm đến việc tăng cường quảng bá, giới thiệu tên thương hiệu của hàng hoá, của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng Internet. Đồng thời cần chú trọng đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước và quốc tế nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời”, bà Đặng Thúy Hà khuyến nghị.
Chia sẻ về vấn đề phát triển thương hiệu, TS. Declan P Bannon, Đại học Anh tại Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu, xác định mục tiêu, nghiên cứu mục tiêu để có chiến lược tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh, quan trọng hơn nữa là tập trung vào khách hàng thực chất của doanh nghiệp.
“Việc xây dựng được thương hiệu sẽ tạo ra sự thuận lợi rất lớn khi bán hàng. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu thì các sản phẩm không thể có chất lượng kém. Từ việc xây dựng thương hiệu tốt sẽ giúp đẩy mạnh khâu bán hàng, tăng sự lựa chọn của người tiêu dùng thông qua sự phổ biến. Nếu người tiêu dùng vui mừng với sản phẩm có chất lượng, họ sẽ mua tiếp. Khi được khách hàng ưa chuộng, sản phẩm chất lượng bậc trung kết hợp với xây dựng thương hiệu tốt sẽ giúp xây dựng thương hiệu trở thành sản phẩm mong muốn”, TS. Declan P Bannon phân tích.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia được ra đời từ năm 2003 nhằm mục đích xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập.
Chương trình còn tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; Xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị “Chất lượng – Đổi mới, Sáng tạo – Năng lực tiên phong”. Tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Phó Tổng thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia khẳng định, xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển thương hiệu cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, trên cơ sở phối hợp giữa thương hiệu sản phẩm và chỉ dẫn địa lý các thương hiệu địa phương sẽ tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp.
Đồng thời, việc quảng bá thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia thông qua các kênh thông tin truyền thông đại chúng, chuyên ngành, các sự kiện thương mại quốc tế ở trong và ngoài nước sẽ giáo dục ý thức tự hào dân tộc bằng việc sử dụng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Ý kiến ()