Đặc biệt, năm 2016 còn đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế trong thời gian tới bằng việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TTP), điều này sẽ mở ra cơ hội về đầu tư kinh doanh thương mại cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.
TS. Võ Hùng Dũng – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho rằng – ĐBSCL đã khẳng định vai trò điểm tựa cho nền kinh tế với các ngành chủ lực là lúa gạo, thủy sản, rau quả…
Tuy nhiên, hiện nay không chỉ riêng các ngành này mà còn các ngành khác đang đối mặt với những thách thức to lớn khi hội nhập quốc tế liên quan tới thiếu nguồn lực chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới; hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu hội nhập; chưa có chính sách đặc thù riêng và chính sách đầu tư khởi nghiệp trên quy mô toàn vùng.
Mặc khác, các doanh nghiệp trong vùng chưa thực sự hiểu rõ về những cơ hội và thách thức do hội nhập quốc tế mang lại để có chiến lược phát triển hiệu quả ở thị trường trong nước và thế giới.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, nông nghiệp Việt Nam mà chủ yếu là ở ĐBSCL là ngành cực kỳ có lợi thế, mỗi năm chúng ta xuất khẩu 30 tỉ USD nông sản. Do vậy, các doanh nghiệp ĐBSCL cần tận dụng, khai thác các thị trường thuận lợi thông qua các Hiệp định thương mại tự do; vượt qua thách thức để cạnh tranh.
Có rất nhiều việc đòi hỏi các doanh nghiệp phải vượt qua những thách thức, những khó khăn. Đầu tiên phải kết hợp cho được lợi thế so sánh, lợi thế thị trường của mình nhờ các Hiệp định và thỏa mãn tốt nguyên tắc xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, gắn kết với mảng phân phối, cho đến thỏa mãn đáp ứng tiêu chuẩn đòi hỏi đối với người tiêu dùng./.
Ý kiến ()