Thứ Sáu, 22/11/2024 07:02 (GMT +7)

Doanh nghiệp FDI nhanh chân với TPP

Thứ 2, 12/10/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Trong nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gần 22 tỷ USD tại Bình Dương, thời gian gần đây có nhiều dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành dệt may nhằm đón đầu lợi thế cạnh tranh khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (phải) trao Chứng nhận đầu tư cho Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam.

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (phải) trao Chứng nhận đầu tư cho Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, mới đây, Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) đã đầu tư vào KCN Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng), tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án lên đến 274 triệu USD với quy mô xây dựng trên diện tích 99 ha. Dự án đã được UBND tỉnh Bình Dương trao chứng nhận đầu tư vào ngày 29-6, hiện nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng để sớm đưa nhà máy có công suất 43.200 tấn sợi xơ tổng hợp/năm, 127 triệu m2 sản phẩm dệt kim và nhuộm/năm, 96 triệu m2 sợi cotton/năm vào hoạt động.

Ông Cheng Chen Yu, Chủ tịch HĐQT Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam cho biết, việc đầu tư nhà máy tại Việt Nam là để đón đầu TPP; hiện thị trường Việt Nam rất tiềm năng, dự kiến thời gian tới doanh nghiệp sẽ nâng vốn mở rộng giai đoạn 2 với quy mô từ 700 triệu đến 1 tỷ USD.

Doanh nghiệp FDI nhanh chân thì chính quyền tỉnh Bình Dương cũng nhạy bén. Khi TPP còn đang đàm phán, cuối năm 2014 lãnh đạo tỉnh đã bàn bạc với các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp cần “dọn chỗ” trước để thu hút các doanh nghiệp đầu tư có lợi thế với TPP.

Đi trước đón đầu tạo hiệu quả, với quỹ đất sạch dồi dào, cơ sở hạ tầng chuẩn bị sẵn đúng thời điểm, KCN Bàu Bàng do Becamex IDC đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã hấp dẫn Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam đến chọn lựa đầu tư.

Đón cơ hội TPP, tại KCN Việt Hương (thị xã Bến Cát), nhà máy sản xuất vải dệt các loại của Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile (hợp tác giữa Haputex Development Limited của Hồng Công (Trung Quốc) và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương) sắp đi vào hoạt động. Dự án này có vốn đầu tư 120 triệu USD, được khởi công xây dựng vào tháng 10-2014, quy mô xây dựng trên diện tích 12 ha, khi hoàn thành giai đoạn 1 nhà máy có công suất 36 triệu mét vải/năm.

Sản xuất sợi cotton chất lượng cao tại Công ty TNHH KyungBang Việt Nam.

Ông Marcus Ip, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile cho biết: TPP là một trong những lý do để doanh nghiệp chọn đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp tin rằng, khi TPP được ký kết, các sản phẩm của doanh nghiệp sẽ thuận lợi và có khả năng cạnh tranh tốt hơn khi thâm nhập thị trường các nước thuộc TPP.

Đón đầu cơ hội và đầu tư sớm vào công nghiệp phụ trợ dệt may tại Bình Dương là Công ty TNHH KyungBang Việt Nam, thuộc Tập đoàn KyungBang nổi tiếng của Hàn Quốc trong lĩnh vực dệt may. Chỉ mới đi vào hoạt động không lâu, đầu năm 2014 doanh nghiệp tăng vốn từ 40 triệu USD lên hơn 94 triệu USD tăng năng lực sản xuất sợi cotton chất lượng cao nhằm cung cấp cho ngành dệt may tại Việt Nam và xuất khẩu.

Thực ra TPP cũng là một phần, dưới góc nhìn của nhà đầu tư, môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng được cải thiện đã tạo sự hấp dẫn từ trước. Nói như ông Choi Jae Ho, Giám đốc Công ty TNHH Panko Vina, hoạt động trong lĩnh vực dệt vải và may mặc với nhiều lần tăng vốn lên hơn 50 triệu USD tại Bình Dương cho biết: Với TPP là một lợi thế cho doanh nghiệp, nhưng nếu không có thì môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn tốt để doanh nghiệp chọn lựa đầu tư.

Việc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ dệt may tại Bình Dương để đón đầu TPP thời gian qua đã tác động rõ nét đến cán cân thương mại của ngành hàng. Trước đây, nguyên phụ liệu cho ngành phải nhập khẩu hơn 70% cho sản xuất, nhưng việc đầu tư mạnh từ nguồn FDI bước đầu góp phần kéo giảm tỷ lệ này.

Theo Sở Công thương Bình Dương, ngoài việc cung cấp nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp sản xuất, trong chín tháng đầu năm 2015 các doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp phụ trợ tại Bình Dương đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu phụ liệu dệt may và da giày của tỉnh đạt hơn 148 triệu USD. Đây là tín hiệu tốt cho ngành sản xuất công nghiệp trong nước.

TRỊNH BÌNH (Báo Nhân Dân)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu