Thứ Tư, 27/11/2024 22:34 (GMT +7)

Doanh nghiệp gạo linh hoạt ứng phó với dịch COVID-19

Thứ 4, 10/06/2020 | 09:45:00 [GMT +7] A  A

Tác động của đại dịch COVID-19 lên hoạt động xuất khẩu và tình hình xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Bà con nông dân xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) tập trung lúa vừa thu hoạch bán cho thương lái. Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) vừa thông qua quyết nghị trình Đại hội đồng cổ đông thường niên nội dung các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 theo hướng điều chỉnh giảm so với đợt công bố giữa tháng 4.

Theo đó, Angimex dự kiến doanh thu hàng hóa và dịch vụ trong năm 2020 là 2.058 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với năm 2019 và lợi nhuận trước thuế 38,4 tỷ đồng, giảm 19%. Trong đợt công bố trước đó vào ngày 13/4, Angimex đặt mục tiêu doanh thu tăng 4% và lợi nhuận tương đương với năm 2019.

Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Angimex dựa trên kết quả kinh doanh quý I kém khởi sắc và tình hình thực tế thị trường xuất khẩu gạo hiện nay. Dù doanh thu thuần của Angimex vẫn tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái trong, nhưng do giá vốn hàng bán tăng 20% đã làm lợi nhuận gộp giảm gần 1%.

Theo lãnh đạo Angimex, những tác động của dịch COVID-19 và tình hình hạn mặn xảy ra nghiêm trọng đã làm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng đáng kể. Thêm vào đó, chi phí tài chính của doanh nghiệp cũng tăng 2,6 lần cho việc mua và dự trữ gạo trong quý I. Những nguyên nhân này khiến lợi nhuận sau thuế trong báo cáo tài chính riêng của công ty giảm 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu tháng 6, Tổng công ty Lương thực Miền Nam – Công ty cổ phần (Vinafood 2) cũng chính thức công bố báo cáo tài chính quý I/2020 với kết quả kinh doanh khá ảm đạm. Dù trong quý I/2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt gần 2.206 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ghi nhận lỗ sau thuế 117 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm ngoái có mức lợi nhuận dương 12,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, hàng tồn kho của Vinafood 2 ghi nhận tăng đột biến trong quý I lên đến 1.608 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với thời điểm đầu năm 2020.

Theo Vinafood 2, kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp thua lỗ là do chính sách nhập khẩu gạo của các nước có nhiều thay đổi theo khuynh hướng tự do hóa thương mại, gia tăng rào cản để bảo hộ sản xuất, cạnh tranh gay gắt.

Cộng thêm việc tạm ngưng xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Chính phủ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong cả nước và trên phạm vị toàn cầu đã dẫn đến việc giảm sản lượng bán. Doanh nghiệp phải tăng chi phí bảo quản lưu kho và các chi phí khác nên ảnh hưởng đến lợi nhuận. Dù chưa chính thức công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020, song với kết quả này, dự báo sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tình hình hoạt động của Vinafood 2 trong năm.

Một “đại gia” khác trong ngành lương thực cũng có kết quả kinh doanh kém hiệu quả trong quý I/2020 là Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Kết thúc quý I, doanh thu của Tập đoàn này sụt giảm 53% so với cùng kỳ năm trước và lỗ ròng gần 37 tỷ đồng, giảm tới 163% so với quý I/2019.

Đại hội đồng thường niên 2020 của Tập đoàn Lộc Trời vừa diễn ra đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu thuần 7.352 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước nhưng lãi sau thuế dự kiến tăng trưởng gần 7,5% lên mức 360 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý I, mục tiêu này sẽ là thử thách đáng kể đối với lãnh đạo tập đoàn trong năm nay.

Thay vì chỉ tập trung vào lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật hay lương thực, trong năm 2020, Tập đoàn này đặt mục tiêu tập trung vào việc tái cấu trúc thành một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nông nghiệp. Bối cảnh COVID-19 được xem là thách thức góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, tái cấu trúc của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác đã linh hoạt chuyển đổi thị trường để giảm thiểu thiệt hại. Đơn cử, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), kết thúc quý I/2020, doanh thu thuần của công ty ghi nhận đạt gần 532 tỷ đồng, tăng ấn tượng tới 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm hơn 3 tỷ đồng so với cùng kỳ (giảm 31%), song công ty vẫn ghi nhận lãi 7,5 tỷ đồng trong giai đoạn khó khăn này.

Theo ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, chính sách tạm ngưng xuất khẩu gạo trong thời gian qua đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng chi phí lưu kho bãi phát sinh, tăng chi phí bán hàng. Bù lại, doanh nghiệp đã đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và bán lẻ. Đây là nhân tố quyết định giúp doanh thu của công ty trong quý I tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay đối với các sản phẩm gạo có nguồn gốc xuất xứ, an toàn, giữ trọn vị thơm, chiến lược của công ty này tập trung vào việc tiêu thụ gạo cao cấp có thương hiệu. Các hoạt động truyền thông thương hiệu của Trung An giúp người tiêu dùng nhận thức được sự khác biệt giữa các dòng sản phẩm gạo thông thường với gạo sạch và gạo Organic do công ty sản xuất.

Trong năm 2020, Trung An lên kế hoạch thiết lập hệ thống phân phối tại các tỉnh thành phố lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… mặt hàng gạo hữu cơ, gạo sạch cao cấp cho người tiêu dùng dễ tiếp cận.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong tháng 5/2020, khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước đạt 789.000 tấn, với giá trị đạt 415 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2,9 triệu tấn và 1,41 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu gạo tăng 5,1% về khối lượng và tăng 18,9% về giá trị.

Việc Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo bình thường trở lại qua các cửa khẩu quốc tế kể từ ngày 1/5 và dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước vẫn tăng trong thời gian tới đã thúc đẩy thị trường gạo Việt Nam sôi động hơn trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý đến sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường ở nhiều nước, kèm theo tình hình hạn mặn đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng có thể sẽ làm tăng giá vốn hàng bán cũng như tác động đến chi phí hoạt động, chi phí tài chính của doanh nghiệp. Do vậy, việc linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2020, tập trung vào tái cấu trúc hệ thống, xây dựng thương hiệu… sẽ giúp doanh nghiệp gạo Việt Nam tiến xa hơn trong thời gian tới.

Hứa Chung (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-gao-linh-hoat-ung-pho-voi-dich-covid19-20200609195103606.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu