Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp sản xuất chế biến thủy sản, ngoài vấn đề khó khăn nguồn nguyên liệu khai thác trong nước thì hiện nay các bến cá đang bị bồi lấp và không có khả năng tiếp nhận những con tàu dịch vụ hậu cần có công suất lớn.
“Cảng cá Đồ Sơn khu vực đầu cảng bị bồi lấp nên hàng mấy nghìn tàu thuyền của ngư dân không vào được. Doanh nghiệp có 6 con tàu lớn vẫn phải vào cảng Máy Chai nhưng vì là cảng tư nhân nên họ thích cho tàu vào mới được vào, nhiều khi mất đến 2 ngày tàu cá mới bốc dỡ được nguyên liệu đưa về nhà máy”, bà Thanh bức xúc cho biết.
Lý giải về vấn đề các doanh nghiệp chậm nộp tiền thuê đất, ông Lê Đại Yến, phó giám đốc công ty TNHH Phúc Tăng cho biết, Cụm công nghiệp Đầm Triều, phường Lãm Hà có hàng chục doanh nghiệp. Trước năm 2014, doanh nghiệp thuê đất với giá khác nhưng sau khi thành phố đặt tên cho đường thì giá thuê đất được áp dụng theo tên đường.
Mặc dù doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị, nhưng chờ sửa đổi quy định thì phải có nghị quyết của HĐND, nên doanh nghiệp chờ giải quyết, tiền đất cứ nợ lưu năm này sang năm khác.
“Rất nhiều văn bản, đề nghị và hàng chục doanh nghiệp đã ký vào nhưng Cục Thuế không giải quyết được, Sở Tài chính cũng không giải quyết được. Nghị quyết HĐND đã ký, muốn sửa thì phải chờ HĐND ra nghị quyết sửa”, ông Yến cho biết.
Tại cuộc tiếp xúc, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện dự Luật Hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng thời hỗ trợ cung cấp thông tin, các cam kết của Chính phủ trong các hiệp định về tự do thương mại để doanh nghiệp chủ động hơn khi tham gia vào hội nhập kinh tế khu vực và thế giới./.
Ý kiến ()