Thứ Tư, 27/11/2024 01:48 (GMT +7)

Doanh nghiệp ‘số hóa’ đón đầu tăng trưởng

Thứ 5, 03/12/2020 | 11:16:00 [GMT +7] A  A

Dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước và trên thế giới.

Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chuyên may các sản phẩm áo sơ mi, quần jeans, quần âu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tới kinh tế – xã hội, lối sống… thì dịch bệnh cũng đã trở thành động lực thúc đẩy nhiều doanh nghiệp bước sâu vào cuộc chơi số, chuyển đổi công nghệ để thích nghi với bối cảnh phát triển mới.

Số hóa để tạo sức bật

Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, đại dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn trong sản xuất, xúc tiến thương mại và giao thương hàng hóa của các doanh nghiệp. Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 10 tháng năm 2020, cả nước có hơn 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, gồm cả 41.783 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, còn có 30.256 doanh nghiệp chờ giải thể và hơn 13.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tương đương của cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, trung bình mỗi tháng có 8.554 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,1% so với trung bình 10 tháng của năm 2019.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống đã gặp khó khăn. Trước bối cảnh đó, yêu cầu về việc ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu. Các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định rằng, ứng dụng công nghệ để xúc tiến thương mại trực tuyến, đưa công nghệ nhiều hơn vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp kết nối tốt hơn với nhau, phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), xúc tiến thương mại trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần; có thể rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận đơn hàng nhanh hơn, độ phủ lớn hơn…”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, trước đây VINASME thường chủ trì các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia với việc tổ chức các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế. Nhưng hiện nay, để thích ứng với tình hình mới, VINASME đã nhanh chóng điều chỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại sang trực tuyến cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, không phải cứ chuyển đổi số, thương mại trực tuyến là doanh nghiệp có thể tiếp cận với khách hàng. Theo ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty OSB, Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam, Chủ tịch Liên minh hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (VESA), tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt. Để đơn hàng đến được với người tiêu dùng, doanh nghiệp phải số hóa tất cả các khâu, các điểm tiếp xúc để tăng tính tương tác với người mua, từ đó hỗ trợ tối đa trong các khâu, từ giới thiệu sản phẩm, marketting đến chăm sóc khách hàng.

“Những doanh nghiệp được chuyển đổi số tốt giống như ngồi trên một bệ phóng tốt. Nó sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến có kết quả cao, nhanh và thậm chí là tối ưu hiệu quả”, ông Toàn khẳng định.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam, nhận thức được chuyển đổi số có tầm rất quan trọng, không chỉ trong bối cảnh dịch COVID-19 mà ngay cả trước đó, đơn vị cũng tìm hiểu và hướng đến sự chuyển đổi mạnh mẽ.

“Để vượt qua dịch bệnh, SKD vẫn tìm kiếm các đơn hàng, sản xuất chia thành các đợt nhỏ để duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động. Nhưng chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, tư duy, kiến thức và nguồn vốn cho chuyển đổi số vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để mạnh tay đầu tư cho lĩnh vực này là điều doanh nghiệp chưa thể làm ngay. Chúng tôi vẫn phải tiến từng bước trong cuộc chơi này”, ông Kết cho hay.

Chuyển đổi số sao cho hiệu quả?

Trung tâm Chăm sóc khách hàng – nơi tiếp nhận thông tin và hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ trực tuyến của ngành điện. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Chuyển đổi số thế nào và nên bắt đầu từ đâu vẫn là câu hỏi nhiều doanh nghiệp chưa có lời giải. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), chuyển đổi số nên bắt đầu sớm và doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được nếu có quyết tâm. Doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy nguồn lực có hạn chế nhưng lợi thế là quy mô nhỏ nên chuyển đổi số sẽ dễ dàng và ở trong phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn so với doanh nghiệp lớn. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy người lãnh đạo, đến xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân sự và cuối cùng là yếu tố công nghệ.

Theo ông Hoàng Văn Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc EFY Việt Nam, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Để vượt bão COVID-19 và đón đầu sự phát triển trong năm tới, doanh nghiệp cần chuyển đổi số nhanh nhưng chuẩn xác; tính toán, nghiên cứu và tìm ra điểm nghẽn trong hoạt động của đơn vị; từ đó đầu tư giải pháp số phù hợp với năng lực công ty và phải đảm bảo có đủ nguồn lực để triển khai lâu dài.

EFY Việt Nam là doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp 4 dịch vụ chính gồm: Dịch vụ nền tảng chuyển đổi số cho Chính phủ và doanh nghiệp; Dịch vụ bảo hiểm xã hội điện tử; Dịch vụ hóa đơn điện tử; Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Sản phẩm và dịch vụ của đơn vị này đã có tiếp cận tới hơn 140.000 khách hàng là tổ chức cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện và doanh nghiệp.

Hiện EFY đã xây dựng bộ giải pháp “Chuyển dịch số thần tốc”, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh chóng và tiết kiệm trong các hoạt động quản trị và điều hành kinh doanh. Hiện tại, bộ 3 giải pháp này đang là nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp vì nó chính là điều kiện cơ bản để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, tạo điều kiện cạnh tranh trên thị trường, ông Thuấn cho hay.

Mới đây, EFY Việt Nam tiếp tục ra mắt sản phẩm dịch vụ mới – Hợp đồng điện tử, chữ ký số, giúp cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, kỳ vọng với chữ ký số, hợp đồng số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng doanh số bán hàng.

Không riêng gì EFY, các tập đoàn khác như Mobifone, FPT… cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển công nghệ số, như: MobiFone Meeting, MobiFone e-Office, MobiFone Invoice, MobiCA, FPT Digital Kaizen, FPT SPro…

Liên quan tới vấn đề này, ông Đỗ Đức Đôn, Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Hải Dương cho biết, chuyển đổi số luôn là vấn đề mà Hòa Phát quan tâm từ lâu. Song hiện các dây chuyền sản xuất của đơn vị hoạt động ổn định, công nghệ và sản phẩm chưa có nhiều đổi mới; thị trường chưa có sự tăng trưởng lớn; đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp.

Ông Đôn cũng cho hay, hiện Hòa Phát Hải Dương đang nghiên cứu một số đề án về áp dụng mã vạch trong quản lý phôi hay số hóa trong quản lý thiết bị, vật tư sản xuất… Hòa Phát đang trong quá trình trao đổi, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ và nếu giá thành hợp lý, các giải pháp tài chính thuận lợi sẽ có thể triển khai vào đầu năm 2021.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, công nghệ và chuyển đổi số sẽ là xu thế hoạt động của doanh nghiệp trong thời kỳ tới – hậu COVID-19. Do đó, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải có cả phần cứng, phần mềm, có những giao dịch với nền tảng công nghệ số. Đầu tư công nghệ hợp lý để kết nối người lao động, kết nối với đối tác…

Đức Dũng (TTXVN)

https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-so-hoa-don-dau-tang-truong-20201203080346280.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu