Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 30/11/2024 06:49 (GMT +7)
Doanh nghiệp vùng ĐBSCL cần nắm bắt cơ hội khi EVFTA thông qua
Thứ 4, 14/08/2019 | 15:50:00 [GMT +7] A A
VOV.VN -Để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp vùng ĐBSCL cần hiểu rõ yêu cầu về hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn sản phẩm, lao động, môi trường…
Khi hiệp định thương mại tự do EVFTA được thông qua sẽ là bước thúc đẩy, tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp đưa hàng hóa tiếp cận vào thị trường EU. Đặc biệt là thuế xuất một số mặt hàng về 0% sẽ làm tăng sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nước trong khu vực. Đây vừa là cơ hội và cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp nếu không tận dụng tốt thời cơ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực quan tâm về hiệp định thương mại này.
Xuất khẩu của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm qua đạt trên 17,5 tỷ USD, trong đó đa phần là các mặt hàng nông, thủy sản. Khi hiệp định EVFTA thông qua sẽ là cơ hội lớn về xuất khẩu hàng hóa đối với các doanh nghiệp nếu tận dụng thành công cơ hội này. Theo dự báo, đến năm 2025 giá trị xuất khẩu sẽ tăng 40% và đến 2030 sẽ tăng trên 60%.
Doanh nghiệp thủy sản vùng ĐBSCL đang có lợi thế lớn khi hiệp định EVFTA được thông qua.
Việt Nam đang là đối tác lớn của thị trường EU
Việt Nam là một trong những đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn của EU tại khu vực Đông Nam Á, khi hiệp định được thông qua sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn vào thị trường EU thông qua các hàng rào được dỡ bỏ, đặc biệt là thuế xuất sẽ tạo sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, khi hiệp định EVFTA được thông qua, hàng hóa của ĐBSCL dễ dàng tiếp cận và cạnh tranh với các sản phẩm tương đồng với những quốc gia khác trong khu vực tại thị trường EU.
Hiệp định này cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận được thiết bị, công nghệ của châu Âu với ưu đãi thuế suất thấp. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ tiếp cận những trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất và sẵn sàng tham gia vào chuỗi giá trị chung toàn cầu, đảm bảo được tiêu chuẩn, chất lượng mà thị trường này đặt ra.
Doanh nghiệp và người dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất.
Tuy nhiên, thách thức mà thị trường EU đặt ra cũng khắt khe về tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật, sẽ không còn việc nuôi trồng thủy sản đơn lẻ như trước đây mà phải được bảo hộ để đạt tiêu chuẩn ngay từ đầu vào sản phẩm và thị trường EU sẽ thực hiện việc giám sát việc này.
Như vậy, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp hiện nay là hệ thống nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo từ vùng nuôi đến chế biến để gia tăng giá trị sản xuất khẩu, không chỉ các doanh nghiệp đang xuất khẩu phải nắm bắt cơ hội mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần thay đổi để hướng tới thị trường tiềm năng này.
Ông Nguyễn Phương Lam lưu ý: “Chúng ta phải hiểu rằng hiệp định sẽ len lõi vào tận bên trong của từng quốc gia và như vậy các doanh nghiệp nhỏ và vừa mặc dù không xuất khẩu, bán hàng, nhưng sản xuất một chuỗi giá trị hàng hóa chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng. Doanh nghiệp sẽ chịu áp lực lớn hơn, tất cả các hộ nuôi trồng phải trang bị kỹ thuật cao hơn… và các quy trình đó đều minh bạch vì EU sẽ kiểm tra rất nghiêm ngặt về việc này”.
Nắm bắt thời cơ để phát triển
Là một trong những doanh nghiệp đang xuất khẩu tôm sang thị trường EU, sản lượng năm 2018 của Công ty thủy sản Minh Phú – Hậu Giang xuất sang thị trường này chiếm khoảng 13% tổng sản lượng của Công ty.
Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc kinh doanh của Công ty thủy sản Minh Phú – Hậu Giang chia sẻ, thị trường xuất khẩu sang châu Âu của công ty đạt tốc độ tăng trưởng mạnh theo từng năm. Tuy nhiên, thị trường này cũng đặt ra yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và dư lượng kháng sinh, đây là những điều kiện bắt buộc khi hàng hóa vào thị trường châu Âu.
Khi hiệp định EVFTA thông qua sẽ là cơ hội lớn về xuất khẩu hàng hóa đối với các doanh nghiệp.
Một khi hiệp định được thông qua, một số mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất 0% sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp cần lưu ý ở thị trường EU là nguồn gốc sản phẩm, chứng nhận bảo vệ môi trường cũng như một số tiêu chí mà thị trường này yêu cầu.
“Thuế chưa hẳn là quyết định việc tăng trưởng, mà chỉ ảnh hưởng một phần nào… Muốn tăng trưởng được thì phải đáp ứng đựơc truy xuất nguồn gốc, chất lượng và chứng nhận về bảo vệ môi trường. Nếu thuế về 0% thì chúng ta cũng có một phần nào đó về cơ hội canh tranh tốt hơn” – ông Lê Văn Hưng cho biết.
Thay đổi tư duy sản xuất hướng đến sản phẩm chất lượng
Bất cứ thị trường nào cũng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm và nguồn gốc rõ ràng, để tham gia cuộc chơi các doanh nghiệp và người dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng hàng hóa sẽ vào trong nước khi hiệp định được thông qua.
Xuất khẩu của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm qua đạt trên 17,5 tỷ USD
Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, thời gian qua ngành hàng cá tra luôn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và các địa phương vì đây vẫn là ngành chủ lực trong nhiều năm qua. Không chỉ cá tra mà các mặt hàng thủy sản khác của vùng ĐBSCL đã đáp ứng được các tiêu chuẩn mà thị trường Mỹ và châu Âu yêu cầu.
Tuy nhiên, khi hiệp định EVFTA thông qua cũng đồng nghĩa với việc một số tiêu chí sẽ thay đổi. Vì vậy các doanh nghiệp cần thời gian để chuẩn bị và nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các bộ, ngành trong quá trình thực hiện.
“Thị trường Mỹ và châu Âu là hai thị trường lớn đối với ngành thủy sản, và Việt Nam cũng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất khẩu rất tốt. Trong thời gian vừa qua, những hàng rào về kỹ thuật, chúng ta cũng đã làm rất tốt, tỷ trọng kim ngạch, báo cáo đều cao. Nhưng, vấn đề hàng rào phi thuế quan và thuế quan vẫn có nhiều thay đổi. Nếu các doanh nghiệp có thời gian giảm thuế thì đây là cơ hội tốt để tận dụng”, ông Trần Thanh Phong nhận định.
Nêu cao vai trò của chính quyền và hiệp hội
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU sẽ mở ra cơ hội lớn cho các ngành hàng nông, thủy, hải sản nói chung cũng như ưu đãi thuế suất và thời gian cho các doanh nghiệp. Để tận dụng tốt cơ hội này thì các doanh nghiệp cần hiểu rõ các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn sản phẩm, những yêu cầu về lao động, môi trường.
Thị trường EU yêu cầu khắt khe về nguồn gốc sản phẩm.
Cũng theo Luật sư Huỳnh, các doanh nghiệp phải thấy lợi ích lâu dài ở hiệp định này, cần phải đặt chữ tín lên hàng đầu, hàng hóa trước tiên phải đảm bảo nguồn gốc, chất lượng để đáp ứng nhu cầu mà của đối tác, đặc biệt phải đảm bảo 100 % hàng Việt Nam, không thể có phụ liệu của một nước thứ ba, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến xuất khẩu và làm ăn chân chính của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, vai trò của các hiệp hội và chính quyền rất quan trọng trọng để đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu và các quy định về pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua công nghệ thông tin, cách thức quản lý phù hợp với tình hình sản xuất…
Luật sư Huỳnh chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đã quá quen thuộc với các yêu cầu của Hiệp định; nó giúp cho sản phẩm của Việt Nam bảo đảm được tính phát triển bền vững và tạo được niềm tin với các đối tác. Cho nên, việc xây dựng các mối quan hệ lâu dài sẽ giúp các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của mình tốt hơn”.
Rõ ràng, hiệp định EVFTA được thông qua là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó thị trường xuất khẩu được đánh giá là mang lại lợi thế lớn cho các doanh nghiệp ở lĩnh vực thủy sản vùng ĐBSCL. Để tận dụng được cơ hội này các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất để đáp ứng được các tiêu chí mà phía EU đặt ra. Trong đó sản phẩm phải truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng, điều quan trọng là tâm thế sẵn sàng để tham gia vào chuỗi giá trị chung toàn cầu, khi đó mới thực sự đứng vững trong cuộc chơi lớn./.
Theo Phạm Hải/VOV-ĐBSCL
Ý kiến ()