Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 23:57 (GMT +7)
Độc và lạ quất bonsai trồng trong bình gốm
Thứ 6, 06/01/2017 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Cũng là cây quất vốn rất quen với không gian Tết từ ngàn xưa, năm nay những nghệ nhân làng quất Tứ Liên đã sáng tạo độc đáo, trồng quất bonsai trong những chiếc bình gốm Phủ Lãng, Bát Tràng; mang tới cho quất một nét văn hóa độc đáo và lạ.
Từ xa xưa, cây quất cảnh được trang trí trưng bày trang trọng nhất trong mỗi gia đình khi Tết cổ truyền của dân tộc ta. Cây quất là cây đứng đầu trong 7 cây khai vận đầu xuân, cây quất đẹp mang nhiều linh khí, linh thiêng, tỏa năng lượng khơi thông luồng khí mới cho gia chủ cũng như các thành viên trong gia đình trong dịp đầu xuân năm mới…Dưới bàn tay của những nghệ nhân trồng quất, mỗi chậu quất là tác phẩm nghệ thuật, cắt tỉa theo nhiều tên gọi như long phượng vần vũ, cá chép hóa rồng, thác đổ đón xuân, lưỡng long chầu nguyệt…Cây quất nghệ thuật phải là cây quất có dáng đẹp, lá xanh, lộc hoa, quả vàng, quả ương, quả xanh, quả non. Có nghĩa là phải hội tụ đủ “tinh hoa của trời đất”.
Quất thế kết hợp với gốm Phù Lãng làm nên một tác phẩm nghệ thuật đáng giá. |
Làng quất Tứ Liên vốn lâu đời và nổi tiếng với nghề quất cảnh tại Hà Nội. Nằm ven sông Hồng, dọc lối đi vào làng qua các nhà vườn đã trông ngút mắt những trái chín mọng.
Thời gian gần đây, người chơi quất ở Hà Nội có thiên hướng tìm chơi những loại cây cảnh “độc” và trở thành xu hướng chơi mới trong mùa Tết. Nắm bắt thị hiếu người Hà Nội, nhiều chủ vườn ở Tứ Liên chuyển sang trồng quất bonsai.
Quất bon sai thu hút người chơi bởi lẽ trên cành cây trĩu quả vàng mát mắt lại có những dáng, thế đẹp mắt. Vì là cây bon sai nên cây cũng dễ vận chuyển, phù hợp đặt trong những không gian nhỏ, hẹp nhưng lại không mất đi vẻ sang trọng, ý nghĩa trong ngày Tết.
Từ cây quất truyền thống, vào bàn tay nghệ nhân uốn, tỉa, chậu quất nhỏ kia cũng có giá phổ biến từ 1 – 5 triệu đồng/chậu, chẳng buồn chiều lòng công chúng số đông.Ông Nguyễn Xuân Hòa năm nay đã 62 tuổi được xem là một trong những nghệ nhân hiếm hoi của làng quất Tứ Liên – Hà Nội nắm giữ bí quyết cắt tỉa, chăm sóc thành công những cây quất bon sai trên chậu cảnh.
Vườn quất độc đáo của ông có diện tích khoảng 500m2 ở cụm 3, vườn bãi Tứ Liên (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) có khoảng 400 cây quất bon sai được tạo dáng trong những chiếc bình gốm sứ Phù Lãng, Bát Tràng rất công phu và có nhiều hình dáng độc, lạ.
Chất men rạn gốm Bát Tràng làm tươi mới những thân bon sai điệu đàng. |
Được người chơi ưa chuộng nhất theo ông Hòa là dáng Giáng Long, dánh Thác đổ bởi vẻ uy dũng của dáng cây nấp sau chùm quả vàng, xanh chen với những nhành hoa điểm trắng, nhành lộc điểm xanh.
Có đủ tứ quý như vậy, cây quất bon sai lại có thể tăng giá trị lên vài lần. Với những thế cây độc nhất vô nhị và tuổi đời gốc quất hàng chục năm, không ít người yêu cây cảnh phải trả mức giá “siêu đắt” để có được chậu quất bonsai chưng Tết. Đặc biệt những cây quất thế đó kết hợp với chậu, lọ gốm dáng cây được tôn lên và được nhiều người thích.
Quất thế Thác đổ có giá lên tới cả chục triệu đồng. |
Có mặt tại vườn quất bonsai không khỏi choáng ngợp vì vẻ đẹp đáng yêu từ những chậu quất. Cây dáng tự nhiên có nét gì đó hoang sơ, không bị bó buộc cũng tạo cảm giác thoải mái, không bị gò bó theo một khuôn mẫu nào cho người chơi, mọi người cũng có nhiều sự lựa chọn về hình dáng.
Cây không to có thể dễ dàng trang trí ở nhiều góc. Nhưng ngắm là vậy chứ quất bon sai không phải ai cũng có thể chơi được bởi giá mỗi chậu quất này thường gấp 5 – 10 lần quất bình thường. Giá thì rất vô cùng, nó còn phụ thuộc vào dáng thế, độ khó độ hẹp của chiếc bình, và giá trị của chiếc bình nữa.Những cây quất mini trong vườn của ông Hòa có tuổi đời từ 3 – 5 năm, thậm chí nhiều gốc lên tới hơn chục năm tuổi. Những gốc quất “cổ”, nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng ông Hòa không bán mà chỉ cho thuê.
Tuy vậy, với những gốc cây trên chục năm tuổi như ông Hòa giới thiệu, lại có dáng đẹp, quả to, hoa lộc đầy đủ, người chơi phải bỏ ra đến hàng chục triệu đồng mới có thể thuê về chơi Tết.
Một trong những kỹ thuật khó của trồng bon sai là cất gốc trong hũ rượu cổ cực nhỏ. |
Theo ông Hòa, để đưa một cây quất bon sai đến với người chơi phải trải mất từ 2 – 3 năm để giâm cành, hoặc luồn gốc để đưa cây vào trong chậu, sau đó mới tạo dáng, cắt tỉa cho cây.
Thời gian này, người thợ phải giữ cho cây lớn không quá nhanh để giữ dáng, giữ hoa, đón quả cho cây đúng theo từng thời điểm. Những điều này, chỉ những người nhiều kinh nghiệm mới có thể thực hiện được. Trong làng quất Tứ Liên, cũng không có nhiều người có thể tạo dáng bon sai từ giai đoạn đầu như vậy.
Quất bon sai thường được người chơi đặt mua từ rất sớm vì số lượng có hạn. |
Giá bán không rẻ nhưng quất bon sai dễ tiêu thụ. Khách tìm đến tận vườn đặt mua, không có hàng bán lên phố. Còn cách Tết đến cả tháng, nhưng thời điểm này đã có rất đông khách đến vườn để chọn mua hoặc thuê quất bon sai sớm.
Theo ông Hòa, nếu không nhanh chân thì sẽ không có cơ hội chơi quất bon sai dịp Tết bởi số lượng chỉ có hạn. Năm nay quất năm nay được mùa và giữ giá như năm ngoái.Cùng với quất vườn truyền thống, quất bon sai đang góp phần đưa quất Tứ Liên đem thêm hương sắc đến từng bàn trà, góc nhà ngày Xuân.
Ý kiến ()