Thứ Sáu, 22/11/2024 19:11 (GMT +7)

Đối mặt với tương lai: Nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn

Thứ 5, 24/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Đây là thông điệp, mục tiêu định hướng quan trọng cho toàn thế giới với những hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Tổ chức Khí tượng thế giới.

Lễ kỷ niệm ngày Khí tượng thế giới (23/3) do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức diễn ra ngày 23/3, tại Hà Nội.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người. Năm 2015, Chính phủ các quốc gia đã thông qua Hiệp định Paris về Khí hậu tại COP21 nhằm “khống chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu thấp hơn đáng kể 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp; nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ không vượt quá 1,5 độ C”.

Lúa Đông Xuân tại xã Tân Hùng, huyện Trà Cú đã trổ bông nhưng bị lép hạt do thiếu nước ngọt.

Ảnh: Duy Khương, TTXVN.

Phát thải khí nhà kính ngày một tăng lên, nhiệt độ bề mặt Trái đất và đại dương cũng đang tăng dần trên phạm vi toàn cầu. Do những hoạt động phát thải trong quá khứ và hiện tại, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với xu thế gia tăng nắng nóng trong tương lai (ngày nóng, đêm ấm, sóng nhiệt). Cần phải xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp để chủ động đối phó với tình trạng hạn hán, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những hướng dẫn về những chính sách và kế hoạch quản lý đất đai hiệu quả và tăng cường khả năng tiếp cận với kiến thức khoa học và chia sẻ các kinh nghiệm ứng phó với hạn hán. Bên cạnh đó chúng ta cần bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân trước nguy cơ mưa lớn và lũ lụt thông qua việc dự báo các tác động, hậu quả khi hiện tượng xảy ra.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương xu thế diễn biến của thiên tai khí tượng thủy văn càng ngày càng khốc liệt hơn, diễn biến phức tạp khó lường hơn, khí hậu ngày càng nóng hơn, khô hơn, mưa bão lũ nhiều hơn. Ngay trong những tháng đầu năm 2016, hàng loạt vấn đề liên quan đến thời tiết khí hậu như băng tuyết xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc và kéo xuống các tỉnh miền Trung; hạn hán, ngập mặn và biển xâm thực khoét sâu vào đất liền ở các tỉnh phía Nam…

Một hộ dân ở Đắk Lắk đang thu gạn nước giếng để phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Ảnh: Dương Giang, TTXVN.

Năm 2016, Tổ chức Khí tượng thế giới chọn chủ đề cho Ngày Khí tượng thế giới là: “Đối mặt với tương lai: Nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn”. Đây là thông điệp, mục tiêu định hướng quan trọng cho toàn thế giới với những hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 65 năm ngày thành lập WMO – đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển ngành Khí tượng Thủy văn thế giới nói chung và ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam nói riêng.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đánh giá, biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống, đe dọa sự phát triển và tồn vong của toàn nhân loại. Giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn nóng nhất theo các số liệu đã quan trắc được và năm 2015 – với tác động của hiện tượng El Nino – đã trở thành năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu có quan trắc khí tượng thủy văn từ thế kỷ 19. Biến đổi khí hậu phá vỡ quy luật tự nhiên của các mùa, gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như: nắng nóng, hạn hán và mưa lũ. Các thay đổi đang hiện hữu này báo trước cho một tương lai mà nhân loại phải đối mặt: Nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn.

Do đó cần chú trọng phát triển hơn nữa công tác dự báo, đặc biệt là dự báo khí hậu, dự báo và cảnh báo thiên tai, tổ chức các diễn đàn nhận định xu thế thời tiết thủy văn Việt Nam thường xuyên hơn. Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan dự báo, các đơn vị chuyển tải thông tin dự báo và người sử dụng cuối cùng nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra và ứng phó chủ động hơn đối với các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan.

Thu Trang- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu