Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 16:20 (GMT +7)
Đông Bắc Á là thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam
Thứ 7, 31/12/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Theo Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động Thương binh Xã hội), năm 2016, đã có 126.296 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vượt 26,29% so với kế hoạch năm.
Lao động Việt Nam đi lao động tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Ảnh: dolap.gov.vn |
Đây là năm thứ ba liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Trong đó có 68.244 lao động đi Đài Loan (Trung Quốc), 39.938 lao động đi Nhật Bản, 2.079 lao động đi Malaysia, 4.033 lao động đi Ả rập Xê út, 8.482 lao động đi Hàn Quốc và các thị trường khác. Thị trường Đông Bắc Á vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.Đối với thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc, ngày 17/5/2016, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản Ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (MOU). Bản MOU được ký lại sau gần 4 năm bị gián đoạn, mở ra cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cho nhiều người lao động Việt Nam.
Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam. Thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động đạt 1.000 USD – 1.500 USD. Hiện Việt Nam có hơn 50.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Người lao động Việt Nam được các doanh nghiệp sử dụng Hàn Quốc ưa thích tuyển dụng vì sự cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn và nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tính cách với người Hàn Quốc.
Trong năm 2016, Việt Nam đã đưa được 8.482 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; tổ chức 2 kỳ thi tiếng Hàn để tuyển chọn 2.100 lao động ngành sản xuất chế tạo, 1.300 lao động ngành ngư nghiệp và giới thiệu cho chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn trong nửa đầu năm 2017.
“Tuy nhiên, hiện có hơn 16.000 lao động Việt Nam theo Chương trình EPS đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Vấn đề này đang ảnh hưởng rất lớn tới việc ổn định và phát triển thị trường trong thời gian tới. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các cấp chính quyền địa phương triển khai mạnh các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc”, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.
Năm 2017, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề xuất kế hoạch đưa được 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Cục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các Hiệp định và Thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước Thái Lan, Lào, Australia; tiếp tục triển khai đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và CHLB Đức theo các chương trình đã ký kết.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đang nghiên cứu, hoàn thiện Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025” trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ý kiến ()