Thứ Hai, 07/07/2025 20:34 (GMT +7)

Đồng lòng, chung sức xây dựng Tây Ninh ngày càng giàu đẹp

Thứ 2, 07/07/2025 | 15:35:33 [GMT +7] A  A

Sau khi Long An và Tây Ninh hợp nhất, đi vào hoạt động, người dân tỉnh Tây Ninh (mới) nhanh chóng thích nghi, đồng hành cùng chính quyền xây dựng quê hương mới. Họ đồng lòng bằng việc góp sức, góp trí vào hành trình xây dựng một Tây Ninh (mới) phát triển nhanh, mạnh, toàn diện và bền vững.

Người dân chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh mới ngày càng giàu mạnh (Trong ảnh: Một phần Khu công nghiệp Thuận Đạo)
Người dân chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh mới ngày càng giàu mạnh (Trong ảnh: Một phần Khu công nghiệp Thuận Đạo)

Chung sức xây dựng quê hương​

Hợp nhất Tây Ninh và Long An là bước đi chiến lược để tạo nên tỉnh Tây Ninh (mới) giàu mạnh, có đủ năng lực cạnh tranh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xã Nhơn Hòa Lập ra đời từ sự sáp nhập của 3 xã giàu truyền thống: Nhơn Hòa Lập, Nhơn Hòa và Tân Lập (trụ sở hành chính đặt tại xã Tân Lập cũ). Việc chuyển đổi đơn vị hành chính ban đầu khiến không ít người dân băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, nhờ sự chuẩn bị chu đáo và có sự góp ý từ cơ sở, quá trình tiếp nhận đã diễn ra thuận lợi.

Chị Huỳnh Thị Cho, người dân xã Nhơn Hòa Lập, chia sẻ: “Lúc đầu khi sáp nhập, người dân có chút lo lắng, sợ thủ tục hành chính rườm rà nhưng khi được địa phương giải thích rõ về mô hình chính quyền 2 cấp, thủ tục hành chính vẫn giải quyết ngay tại xã, mọi người yên tâm hơn nhiều. Hơn nữa, trước đây xã Tân Lập tách ra từ xã Nhơn Hòa Lập, nay sáp nhập trở lại sau khoảng 40 năm cũng có cơ sở nên chúng tôi không có gì phải băn khoăn nữa”.

Trụ sở xã Mỹ Lộc
Trụ sở xã Mỹ Lộc

Từ suy nghĩ đó, chị Cho vẫn tiếp tục các công việc “không tên” mà trước đây bản thân từng tham gia. Đó là tích cực tham gia công tác vận động xã hội hóa, tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; duy trì các mô hình tiết kiệm giúp nhau: Nuôi heo đất, Tổ góp vốn xoay vòng,... để giúp phụ nữ nông thôn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống.

Tỉnh Tây Ninh (mới) có diện tích tự nhiên hơn 8.500km², dân số hơn 3,25 triệu người với 96 xã, phường; giáp tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, TP.HCM và Vương quốc Campuchia.

Người dân Long An hay Tây Ninh giờ thành một nhà thì càng thêm sức mạnh. Mỗi người đều chung tay, góp sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đó cũng chính là suy nghĩ của chị Nguyễn Thị Thanh Lan (xã Thạnh Hóa). “Ai cũng có phần đóng góp. Tôi mong rằng giờ đây, chính quyền 2 cấp gần dân, sát dân hơn, người dân thấy được sự đổi mới sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính nên càng yên tâm và vui mừng. Tuy có khác nhau đôi chút về văn hóa ở từng vùng nhưng chúng tôi có chung tinh thần đoàn kết, lòng yêu quê hương và khát vọng, ý chí vươn lên” - chị Lan nói.

"Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là bước đi đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các địa phương cần triển khai, thực hiện ngay các nhiệm vụ từ ngày đầu tổ chức sáp nhập địa phương. Quan tâm rà soát các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm để tổ chức thực hiện quyết liệt, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Phải đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được phân công. Trong đó, tập trung cho công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2025-2030. Trên cơ sở nhiệm vụ của 2 địa phương trước đây, dự thảo văn kiện Đại hội phải sắc, gọn, chú ý về nhiệm vụ, giải pháp, các khâu đột phá trong thời gian tới phải hết sức quan tâm,...".

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Mạnh Hùng

Viết tiếp trang sử vẻ vang

Sau hợp nhất, tỉnh Tây Ninh sẽ giàu mạnh hơn. Đó cũng là kỳ vọng của người dân trong tỉnh. Hành trình xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị ở các xã mới không chỉ là việc của Nhà nước mà còn có sự chung tay của người dân, đặc biệt là lực lượng cán bộ, đảng viên. Họ là “cầu nối” quan trọng giữa chính quyền với nhân dân, góp phần đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách hiệu quả.

Bà Bùi Thị Út, đảng viên phường Long An, cho hay, sáp nhập tỉnh là bước chuyển lớn, mang lại nhiều kỳ vọng, trong đó có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. “Trước đây, tôi từng là phó bí thư chi bộ ấp nên bản thân phải gương mẫu. Tôi vẫn tiếp tục các hoạt động hàng ngày đang thực hiện. Đó là làm những điều có ích cho dân như dạy miễn phí cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tham gia sinh hoạt chi bộ, có những định hướng để giữ gìn an ninh, trật tự, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình đổi mới tỉnh nhà. Tôi tin chắc rằng, ở đâu có Đảng, có Nhà nước lo cho dân thì dân sẽ tin tưởng và quê hương mình, đất nước mình ngày càng giàu mạnh hơn” - bà Út bộc bạch.

Người dân tra cứu thông tin những ngày đầu tỉnh mới đi vào hoạt động
Người dân tra cứu thông tin những ngày đầu tỉnh mới đi vào hoạt động

Theo Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Quyết, việc hợp nhất là dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh (mới) và của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, của đất nước nói chung.

Việc hợp nhất 2 tỉnh tạo điều kiện để phát huy nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của cả hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và khát vọng phát triển, đều giàu truyền thống cách mạng, “trung dũng, kiên cường” trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm; tự lực, tự cường trong lao động, sản xuất, đi đầu trong công cuộc đổi mới và hiện nay đều là “điểm sáng” trong phát triển KT-XH mạnh mẽ, để hình thành nên một tỉnh Tây Ninh (mới) với diện mạo hành chính, tổ chức và cơ cấu mới, hội đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đáp ứng kỳ vọng lớn lao: Trở thành cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là “điểm sáng” về phát triển công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, du lịch, là cửa ngõ thương mại quốc tế của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước; đồng thời, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của lưu vực hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây./.

"Tôi là người miền Bắc, sau này định cư ở miền Nam và bản thân là người lính Cụ Hồ nên với tôi, nơi nào cũng là quê hương. Tôi mong sao sáp nhập tỉnh lần này sẽ tạo nên bước đột phá, giữ được người tài, người trẻ, người có năng lực để có những chủ trương, chính sách làm cho quê hương mình ngày càng phát triển. Tây Ninh - vùng đất biên giới phía Tây Nam Tổ quốc giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh và hợp tác quốc tế. Sau khi hợp nhất, tỉnh có đường biên giới khá dài, với vị trí chiến lược nêu trên, tôi mong rằng lãnh đạo tỉnh cũng như các địa phương chung tay, đoàn kết, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại”.

Ông Lê Phát Thành (xã Tầm Vu)

"Tôi mong rằng tỉnh mới, lãnh đạo tỉnh sẽ có những chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân,... Cùng với đó, việc thể chế hóa bộ máy hành chính và năng lực quản trị địa phương cũng là vấn đề cấp thiết. Khi không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, mở rộng đơn vị cấp xã, khối lượng công việc cấp tỉnh và xã sẽ tăng mạnh. Điều này đòi hỏi thời gian thích nghi và điều chỉnh mô hình tổ chức để vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”.

Ông Hoàng Trọng Bình (xã Cần Giuộc)

Thanh Nga

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu