Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 20:29 (GMT +7)
Động lực để người dân phát triển kinh tế
Thứ 3, 24/05/2022 | 11:47:40 [GMT +7] A A
Những năm qua, cùng với nguồn lực đầu tư của Đảng và Nhà nước, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp người dân huyện Đức Huệ mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, trồng trọt, góp phần duy trì, mở rộng việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
8 năm trước, từ 1 hộ cận nghèo, trồng lúa năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém, nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách với 2 đợt vay, mỗi đợt 50 triệu đồng đã giúp ông Nguyễn Văn Ẩn mạnh dạn chuyển đổi sang trồng chanh ứng dụng công nghệ cao: hạn chế phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, giúp tiết kiệm chi phí, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện tại với 700 gốc chanh trên diện tích 1,5 hecta, mỗi năm ông Ẩn thu lợi nhuận 150 triệu đồng, vươn lên trở thành thành hộ khá.
Ông Ẩn chia sẻ: “do không có nguồn vốn nhiều nên trước đây tôi thường mua phân, tro thiếu ở cửa hàng với lãi suất 10%. Từ khi Phòng giao dịch ngân hàng chính sách huyện hỗ trợ vốn vay thì mọi thứ dễ dàng hơn nhiều, tôi có đủ nguồn lực để đầu tư cho cây chanh, từ vật tư nông nghiệp đến công lao động đều thanh toán kịp thời”.
Ngoài cây chanh, phong trào chăn nuôi bò vỗ béo cũng là lợi thế, phù hợp với đặc thù vùng đất Đức Huệ. Để phát triển chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao với quy mô mỗi đợt 10 con như thế này, anh Nguyễn Văn Tèo cùng 6 thành viên còn lại trong câu lạc bộ khởi nghiệp chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao xã Mỹ Thạnh Đông đều nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn tín dụng chính sách với tổng vốn vay gần 600 triệu đồng. Với kỹ thuật nuôi bò ứng dụng công nghệ cao, thức ăn được phối trộn, bổ sung dinh dưỡng nên bò mau lớn, tỷ lệ rủi ro thấp mang về cho anh Tèo lợi nhuận từ 150 - 180 triệu đồng/năm.
Anh Tèo cho biết: “Muốn chăn nuôi bò vỗ béo bày bản, đòi hỏi phải có nguồn vốn cao. Ở nhà tôi có 1 ít vốn, cộng với nguồn vốn tín dụng ưu đãi tiếp sức, tôi mới có đủ lực đầu tư dài hơi cho đàn bò. Vay vốn ở đây lãi thấp, hình thức trả linh hoạt nên bà con nông dân cũng mừng lắm, còn vay bên ngoài, lãi suất cao, người dân không có khả năng chi trả”.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Huệ đã tích cực giải ngân các nguồn vốn tín dụng chính sách với tốc độ tăng trưởng đạt trên 7% so với đầu năm, tăng trên 126% so với cùng kỳ. Trong đó, tập trung các chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi.
Ông Thành Duy Vũ, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đức Huệ thông tin thêm: “Đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay theo đề án, dự án của địa phương, các tổ chức chính trị xã hội lập. Quan tâm, chú trọng hỗ trợ vốn vay ưu đãi các mô hình đột phá của huyện như: mô hình nuôi bò ứng dụng công nghệ cao ở các xã; mô hình trồng dừa ở xã Mỹ Bình; mô hình trồng sâm bố chính ở xã Bình Hòa Nam; mô hình nuôi các trê vàng ở xã Mỹ Thạnh Tây,…cho vay phải có trọng điểm, trọng tâm, phải tạo được điểm nhấn cho huyện hoàn thành tốt các chỉ tiêu xây dựng xã đạt Nông thôn mới đúng theo lộ trình”.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn vay, tạo việc làm cho người lao động, Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, thực hiện lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân có thêm tiềm lực phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng./.
Duy Huệ - Đức Cảnh
Ý kiến ()