Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 05:26 (GMT +7)
Đồng sức, đồng lòng chi viện cho miền Nam chống dịch COVID-19
Thứ 5, 05/08/2021 | 11:28:00 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo và kêu gọi các bệnh viện chi viện kịp thời nhân lực chống dịch, đặc biệt là các bác sỹ, điều dưỡng viên điều trị, hồi sức cấp cứu cho các địa phương có số ca nhiễm rất cao là TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh khu vực phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang.
Với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, trong tuần qua, các bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội đã huy động các cán bộ y tế khẩn trương lên đường để tiếp sức và hỗ trợ miền Nam chống dịch COVID-19.
Chiều ngày 2/8, Bệnh viện Bạch Mai đã cử đoàn công tác gồm 200 bác sĩ, điều dưỡng các chuyên ngành do GS.TS Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai làm trưởng đoàn, lên đường vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, điều trị các bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Lê Phú/ Báo Tin tức
Phát huy tinh thần tình nguyện
Nhận được lời kêu gọi lên đường hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại miền Nam trong buổi tối, đoàn y, bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai chỉ có vài tiếng đồng hồ để thu xếp hành trang, chuẩn bị tâm lý lên đường cho chuyến đi nhiều gian nan và không xác định được thời gian quay về.
Là một thành viên trẻ, lần đầu tiên tham gia chi viện cho công tác chống dịch tại địa phương khác, điều dưỡng Nguyễn Khắc Hùng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trước khi lên đường, anh được các cô chú, anh chị đồng nghiệp trong căn dặn nhiều điều, từ việc giữ sức khỏe cho bản thân đến những kinh nghiệm khi làm việc tại vùng dịch để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa hoàn thành nhiệm vụ.
Trong số các y, bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai lên đường đến TP Hồ Chí Minh lần này, nhiều người vừa mới trở về từ các vùng dịch như Bắc Giang, Hải Dương… Những cánh tay xung phong lên đường chống dịch của nhiều y, bác sỹ được giơ cao đầy quyết tâm ngay khi có lời kêu gọi chi viện cho miền Nam từ bệnh viện.
Đã có kinh nghiệm hai lần chống dịch tại tỉnh Hải Dương và hỗ trợ chống dịch tại nước bạn Lào, bác sỹ Trần Hoàng Long, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Đợt dịch này ở TP Hồ Chí Minh là lớn nhất từ trước đến giờ nên sẽ có những điều chưa lường trước được. Là bác sỹ, anh luôn xác định là cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Đợt chi viện ngày 29/7 cho miền Nam, ngoài nhiệm vụ hỗ trợ y tế, các bác sỹ bệnh viện Bạch Mai còn phải khảo sát tình hình để thiết lập bệnh viện dã chiến với quy mô 500 gường bệnh. Như vậy, lần ra quân này vừa để chống dịch, vừa làm tiền trạm, xây dựng cơ sở để đón các đoàn y, bác sỹ tiếp theo. Nhiệm vụ chồng nhiệm vụ, khó khăn nối tiếp khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: sau khi đoàn y, bác sỹ thứ nhất xuất quân vào Nam, Ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục chuẩn bị về nhân lực cho các đoàn tiếp theo cùng với những trang thiết bị hiện đại về máy thở, máy lọc máu… để cùng đồng bào miền Nam quyết tâm khống chế dịch.
Hưởng ứng lời kêu gọi chi viện cho miền Nam, anh Nguyễn Ngọc Trường Thi, Trung tâm điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ: Nhiều đồng nghiệp của anh đã vào miền Nam chống dịch lâu rồi nên mọi người đều sẵn sàng góp sức trong lần dịch bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Được sự ủng hộ của vợ con, gia đình, anh xung phong ra tuyến đầu để hoàn thành nhiệm vụ, đã xác định đi chỉ khi hoàn thành nhiệm vụ mới trở về.
Có thâm niên công tác tại Viện Phổi Trung ương hơn 10 năm, điều dưỡng Nguyễn Hải Anh, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương tâm sự: Lần này vào Nam hỗ trợ dịch, anh cố gắng động viên gia đình là lần đi này cũng như các lần đi công tác khác, mặc dù lần đi chi viện này, anh có tâm trạng lo lắng, trăn trở cho gia đình và người thân ở nhà. Gác lại hết mọi suy nghĩ, anh lên đường công tác và mong được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho công tại chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.
Được sự phân công của Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương thiết lập Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại tỉnh Đồng Nai. Đây là nhiệm vụ đầy tự hào nhưng cũng vô cùng nặng nề bởi công việc của các y, bác sỹ tại đây là giành sự sống cho những bệnh nhân COVID-19 có chuyển biến nặng. Hành trang của những bác sỹ, điều dưỡng lần này không chỉ là kinh nghiệm chuyên môn, lòng nhiệt tình, sức trẻ mà còn mang theo những trang thiết bị y tế chống dịch là 10 máy thở chức năng cao, máy thở xâm nhập và không xâm nhập, 10 máy theo dõi bệnh nhân, các thiết bị hồi sức cấp cứu cơ bản và thiết bị xét nghiệm. Bác sỹ Vũ Văn Thành, Trưởng Khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương bày tỏ quyết tâm: Chúng tôi xác định ai cũng có khó khăn, ai cũng có gia đình riêng, nhưng vì mục tiêu chung, chúng ta phải gác lại mọi chuyện cá nhân, có quyết tâm chung thì mới giải quyết tốt nhiệm vụ được giao.
Xác định tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, cuộc chiến chống dịch sẽ cam go, vất vả và kéo dài, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, để hiệu quả, chiến lược của bệnh viên là chia thành nhiều giai đoạn. Đợt đầu tiên, Bệnh viện Phổi Trung ương cử cán bộ tinh nhuệ trước vào để thiết lập một hệ thống phòng, chống dịch cơ bản. Tinh thần các chiến sỹ lên đường rất phấn khởi mặc dù biết khó khăn và nguy hiểm. Những người đi chi viện và những người ở lại bệnh viện đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Cử đội hình “tinh nhuệ” chống dịch
Đoàn Bộ Y tế và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khảo sát địa điểm đặt Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phụ trách. Ảnh: Hoài Thương
Dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam. Hơn lúc nào hết, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực miền Nam đang mong chờ sự chung tay, đồng lòng, chia sẻ của lực lượng y, bác sĩ, điều dưỡng từ các bệnh viện trung ương. Từ ngày 27/7 đến 1/8, Bệnh viện K đã chi viện hai đoàn y, bác sỹ vào Nam chống dịch. Gần 40 cán bộ, y, bác sỹ và nhân viên y tế của Bệnh viện K tham gia hai đoàn công tác đều là những cán bộ “tinh nhuệ” có kinh nghiệm trong cấp cứu, chăm sóc, điều trị hỗ trợ người bệnh. Những chiến sỹ áo trắng lên đường không chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim”, là sự thôi thúc từ quyết tâm “chống dịch như chống giặc” nên cần tranh thủ, khẩn trương.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nhận định, với diễn biến rất phức tạp ở các tỉnh, thành phố phía Nam, các đoàn công tác chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các thành viên luôn cố gắng giữ tinh thần tích cực, lạc quan, chủ động trao đổi trong công việc để hỗ trợ các đồng nghiệp phía Nam chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Đặc biệt, song song với nhiệm vụ hàng đầu trong công tác điều trị, hồi sức cho bệnh nhân, đoàn công tác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi nhận nhiệm vụ.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chọn Bệnh viện Dã chiến số 13 tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh để thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng. Do xe cứu thương không đủ sức chứa hết gần 10 tấn trang thiết bị để đưa vào miền Nam, do vậy, để kịp tiến độ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, các nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã nỗ lực chuyển nhiều tấn thiết bị y tế ra ga Hà Nội để chuyển tầu vào niềm Nam trong đêm.
Đồng thời, ngay khi có thông báo về việc cần lên danh sách nhân lực hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch theo chỉ đạo khẩn của Bộ Y tế, phần trao đổi của thông tin của các khoa, các nhóm liên tục nhận được đăng ký tham gia chi viện từ các y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của bệnh viện. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quyết định cử đội quân tinh nhuệ là những bác sỹ hồi sức, điều dưỡng có khả năng thiết lập thở máy để điều trị tốt nhất cho người bệnh trong miền Nam.
Đặc biệt, để có điều kiện tốt nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chuẩn bị đồ dùng thiết yếu, trang bị phòng hộ, đồng thời tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho đội hình chi viện. Trước đó, các thành viên trong đoàn đều đã được tập huấn bổ sung các kỹ thuật về phòng hộ cho bản thân.
Ngày 5/8, hơn 300 y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ vào TP Hồ Chí Minh tiếp quản bệnh viện dã chiến số 13. Tất cả đã chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng chạy đua với thời gian, chung sức đồng lòng tham gia chống dịch, cứu chữa người bệnh COVID-19, mong cuộc sống yên bình sớm trở với người dân nơi đây.
https://baotintuc.vn/thoi-su/dong-suc-dong-long-chi-vien-cho-mien-nam-chong-dich-covid19-20210805073048128.htm
Ý kiến ()