Thứ Năm, 28/11/2024 21:41 (GMT +7)

Đồng Tháp: Nhiều biện pháp phòng chống sạt lở bờ sông Tiền

Thứ 2, 18/06/2018 | 11:01:00 [GMT +7] A  A

Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra 9 vụ sạt lở bờ sông Tiền ở huyện Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự và thành phố Cao Lãnh với tổng chiều dài sạt lở là 163m, diện tích sạt lở là 809m2; ước thiệt hại do sạt lở gây ra hơn 172 triệu đồng.

Hơn 1.150 m3 cát để lấp hố xoáy tại xã Hoà An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, nguyên nhân sạt lở là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo vào nền địa chất mềm yếu và do các cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra sạt lở. Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2005 – 2017, bờ sông Tiền tại tỉnh Đồng Tháp có tổng cộng gần 305 ha đất bị nước cuốn trôi; thiệt hại tài sản, nhà cửa và kinh phí di dời dân ước tính 350 tỷ đồng.

Ông Võ Thành Ngoan cho biết, tỉnh khắc phục bờ sông sạt lở bằng biện pháp công trình và phi công trình. Đối với biện pháp phi công trình, tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tổ chức theo dõi cắm biển báo và tuyên truyền đến nhân dân công tác phòng tránh; tổ chức đoàn kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông và chỉ đạo các giải pháp khắc phục ở các huyện Châu Thành, Hồng Ngự, Thanh Bình và thành phố Cao Lãnh.

Tỉnh đã xác định vành đai các khu vực sạt lở, làm cơ sở cho việc di dời dân đến nơi an toàn. Tỉnh đã thực hiện dự án đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông Tiền và thiết lập hành lang sạt lở tại khu vực đông dân cư và cơ sở hạ tầng. Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý việc khai thác cát đúng phạm vi quy định, kết hợp việc khai thác cát với việc chỉnh trị dòng chảy trên sông Tiền hướng vào giữa, tránh gây ảnh hưởng sạt lở bờ sông.

Biện pháp công trình phòng chống sạt lở bờ sông được tỉnh thực hiện là xây dựng cụm, tuyến dân cư, đưa dân vùng sạt lở vào ở; đang xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ sông Tiền trên địa bàn Bình Thành, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, kè đoạn xã Bình Thành (huyện Thanh Bình ) đến Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh); xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành; làm bờ kè trên sông Tiền thuộc địa phận xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự giai đoạn II nối dài 460 mét, từ nguồn vốn ADB.

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp còn 5.978 hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn; trong đó, có 2.440 hộ cần phải di dời khẩn cấp. Trước tình hình này, ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, tỉnh có đề án xây dựng thêm 12 cụm, tuyến dân cư trên địa bàn 7 địa phương để di dời khẩn cấp 2.440 hộ dân khỏi vành đai sạt lở nguy hiểm, với kinh phí thực hiện khoảng 657 tỷ đồng. Tỉnh đang chờ quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện.

Theo Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu