Thứ Tư, 27/11/2024 00:45 (GMT +7)

Dự báo những nguy cơ toàn cầu năm 2016

Thứ 7, 23/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Báo cáo về những Nguy cơ Toàn cầu, được khởi động từ năm 2006, là tài liệu thường niên và có uy tín của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhằm đưa ra dự báo về những nguy toàn cầu.

Động vật chết khô hạn bên bờ sông Umfolozi ở quận Nongoma, phía tây bắc Durban (Nam Phi). Ảnh: AFP/TTXVN

Năm nay, Báo cáo tiến hành điều tra với sự tham gia của gần 750 chuyên gia, đánh giá về 29 nguy cơ toàn cầu khác nhau dựa trên hai tiêu chí, với tầm nhìn 10 năm, là: khả năng tác động và khả năng xảy ra.

Xếp hạng các nguy cơ toàn cầu

Theo đó, nguy cơ được đánh giá sẽ có tác động lớn nhất trong năm 2016 là thất bại trong việc giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu. Đây là lần đầu tiên nguy cơ về môi trường đứng đầu trong các nguy cơ toàn cầu kể từ khi Báo cáo thường niên này được xuất bản.

Tiếp theo đó là vũ khí huỷ diệt hàng loạt (đứng thứ hai), khủng hoảng nguồn nước (đứng thứ ba), nạn di cư bắt buộc quy mô lớn (thứ tư) và bất ngờ về sự sụt giảm giá năng lượng (dầu khí) nghiêm trọng (thứ năm).

11 năm qua kể từ khi báo cáo này bắt đầu tiến hành đánh giá về những nguy cơ toàn cầu, chưa bao giờ danh sách các nguy cơ trải rộng đến vậy. Lần đầu tiên có tới 4 trong tổng số năm lĩnh vực, gồm: môi trường, địa chính trị, xã hội và kinh tế, được xếp trong danh sách 5 nguy cơ có ảnh hưởng lớn nhất.

Lĩnh vực duy nhất còn lại không nằm trong “top 5” là công nghệ, với đại diện cao nhất là tấn công mạng cũng chỉ được xếp vị trí thứ 11 trên cả hai tiêu chí. Có thể thấy, mặc dù rất nhiều các nguy cơ khác đang dần hình thành một cách rõ nét song các rủi ro về môi trường đã trở thành mối đe doạ lớn nhất trong bức tranh nguy cơ toàn cầu năm 2016.

Những nguy cơ địa chính trị, trong đó xung đột giữa các quốc gia có ảnh hưởng tới khu vực được xếp vào nguy cơ hiện hữu nhất năm 2015, cũng đang xuất hiện.

Trong khi xung đột giữa các quốc gia đã tụt xuống vị trí thứ Tư xét về khả năng xảy ra, vũ khí huỷ diệt hàng loạt được đưa lên vị trí thứ Hai về tác động, cao hơn một bậc so với năm ngoái và là vị trí cao nhất trong báo cáo của WEF.

Trong khi đó, xét về khả năng xảy ra, nguy cơ mang tính toàn cầu số một trong năm 2016 được đánh giá là nạn di cư bắt buộc, xếp trên cả các sự kiện thời tiết khắc nghiệt (thứ hai), thất bại trong việc giảm thiểu và thích nghi với sự biến đổi khí hậu (thứ ba), xung đột xuyên quốc gia với tác động tầm khu vực (thứ tư) và những thảm hoạ thiên nhiên lớn (thứ năm).

Sóng lớn do mưa bão tại bờ biển Valparaiso, Chile ngày 8/8/2015.

Ảnh: AFP/TTXVN

“Bức tranh đa màu” này được đưa ra trong bối cảnh số nạn nhân tử vong vì những nguy cơ toàn cầu đang ngày một gia tăng. Khí hậu nóng lên năm 2015 chắc chắn sẽ làm cho nhiệt độ trung bình trên bề mặt trái đất lần đầu tiên tăng cao 1°C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), số lượng người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa năm 2014 là 59.5 triệu, tăng gần 50% so với năm 1940.

Sự liên kết giữa các nguy cơ

Bên cạnh những đánh giá về khả năng xảy ra và khả năng tác động, Báo cáo Nguy cơ Toàn cầu năm 2016 cũng đưa ra đánh giá về sự liên kết giữa các nguy cơ. Số liệu thống kê cho thấy đang diễn ra một sự hội tụ, dù chỉ với một số lượng nhỏ các rủi ro cộng hưởng lại nhưng có thể gây ra những tác động rất lớn.

Đứng đầu danh sách các cặp quan hệ có liên kết chặt chẽ nhất trong năm 2016 là sự bất ổn xã hội sâu sắc và thất nghiệp mang tính hệ thống, chiếm 5% trong tổng số các liên kết.

Nhận thức được những mối liên kết đó là điều rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo, giúp họ xác định các lĩnh vực ưu tiên cần hành động cũng như lên kế hoạch để đối phó với những tình huống bất ngờ xảy ra. Theo Giám đốc cơ quan Quản lý Cạnh tranh và Nguy cơ Toàn cầu thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới Margareta Drzeniek-Hanouz, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các nguy cơ, chẳng hạn như nạn di cư và vấn đề an ninh.

Cecilia Reyes, Trưởng bộ phận phòng ngừa nguy cơ thuộc Tập đoàn Bảo hiểm Zurich cho hay: “Biến đổi khí hậu toàn cầu đang làm trầm trọng thêm các nguy cơ hơn bao giờ hết, đặc biệt là khủng hoảng nguồn nước, thiếu lương thực, tăng trưởng kinh tế thấp, kết nối xã hội yếu kém và những nguy cơ an ninh đang ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, sự bất ổn địa chính trị đang đẩy các doanh nghiệp vào tình thế phải huỷ bỏ các dự án, bị thu hồi giấy phép, gián đoạn sản xuất, tài sản hư hỏng và dòng vốn lưu động hạn chế giữa các nước.

Những cuộc xung đột chính trị đang làm cho thách thức về biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn, giảm thiểu khả năng hợp tác chính trị cũng như làm chệch hướng nguồn lực, sự sáng tạo và thời gian khỏi nỗ lực ngăn ngừa và đối phó với biến đổi khí hậu”.

Tấn công mạng được xếp hạng cao hơn một chút xét về khả năng xảy ra và tác động năm 2016, trong khi các nguy cơ khác như sự sụp đổ của hạ tầng thông tin quan trọng đã bớt đi phần nghiêm trọng trong mắt các chuyên gia. Các cuộc khủng hoảng công nghệ vẫn chưa tác động tới các nền kinh tế hay chứng khoán một cách hệ thống nhưng nguy cơ vẫn ở mức cao và đây là điều mà có thể các chuyên gia chưa thực sự đánh giá đầy đủ.

Dòng người di cư và tị nạn chờ đợi được qua cửa khẩu Hy Lạp- Macedonia, gần Idomeni (Hy Lạp) ngày 20/1. Ảnh: AFP/ TTXVN

Một cuộc điều tra độc lập với sự tham gia của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra đánh giá về những rủi ro trong kinh doanh cho thấy tấn công mạng được xếp hàng đầu ở 8 quốc gia, gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Thuỵ Sỹ và Singapore.

Đối với hoạt động kinh doanh, thất nghiệp và thiếu việc làm dường như là rủi ro mà các doanh nghiệp lo ngại nhất trong kinh doanh tại hơn1/4 trong tổng số 140 quốc gia. Đặc biệt, nguy cơ đó được xếp lên hàng đầu tại hai khu vực: Cận Sahara châu Phi và Trung Đông-Bắc Phi.

Khu vực duy nhất mà nguy cơ này không được xếp vào top 5 là Bắc Mỹ. Sự sụt giảm giá năng lượng là nguy cơ đứng thứ hai và xuất hiện trong top 5 nguy cơ đối với các doanh nghiệp tại 93 nước. Tấn công mạng được xếp trong top 5 tại 27 nền kinh tế, cho thấy phạm vi mà các doanh nghiệp tại nhiều nước đang phải chịu tác động từ mối đe doạ này.

Nguyễn Thái (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu