Chủ Nhật, 24/11/2024 23:44 (GMT +7)

Đưa nông sản Việt sạch đến tận tay người tiêu dùng

Thứ 6, 21/12/2018 | 10:15:00 [GMT +7] A  A

Nông sản “sạch” Việt Nam còn nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường nội địa và xuất khẩu, nguyên nhân do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều, khâu phân phối còn hạn chế… khiến doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư.

Tiêu thụ, quy mô còn manh mún

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm – Thủy sản (Bộ NN-PTNT), trong năm 2018, ngành nông nghiệp Việt Nam chịu nhiều thách thức từ thiên tai, biến đổi khí hậu, thương mại tự do… kéo theo các sản phẩm nông sản sạch cũng gặp khó khăn không ít. Nhiều loại nông sản sạch của Việt Nam vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường, quy mô sản xuất và tiêu thụ manh mún, nhỏ lẻ và chưa đáp ứng hết nhu cầu của người tiêu dùng.

Các nông sản sạch được tiêu thụ chủ yếu trong các hệ thống phân phối hiện đại.

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc Việt Nam đã theo đuổi nền nông nghiệp hóa học từ vài chục năm nay, song hệ thống kiểm soát còn kém hiệu quả. Hệ lụy của tình trạng quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật kém hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp khiến môi trường đất bị phá hủy, cây trồng kháng thuốc và tình trạng thực phẩm không an toàn tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng… Sản xuất còn khá manh mún, nhỏ lẻ khiến khâu phân phối cũng gặp khó khăn. Chưa kể giá thành sản phẩm nông sản sạch khá cao (do chi phí sản xuất nông sản sạch cao gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường), trong khi thị trường tiêu thụ còn hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào phân phối sản phẩm nông sản sạch.

Vì vậy, để phát triển nông sản Việt sạch, ông Toản cho rằng, trước tiên cần hướng tới văn minh tiêu dùng trong thực phẩm, xã hội ngày càng đòi hỏi thực phẩm phải có truy xuất nguồn gốc, minh bạch ATTP, đòi hỏi về đổi mới phương thức cung ứng sản phẩm tới tay người tiêu dùng và yêu cầu xuyên suốt của bất cứ một sản phẩm nào, đó là chất lượng sản phẩm nông sản sạch được nâng cao hơn.

“Hiện nay, Việt Nam có gần 1.000 chợ truyền thống loại 1, hơn 300 siêu thị, 1.096 chuỗi phân phối, 1.426 sản phẩm và 3.174 điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản thực phẩm an toàn. Vì vậy, đã đến lúc người tiêu dùng cần có lựa chọn tiêu dùng thông minh để hình thành một văn hóa kinh doanh thông minh. Người tiêu dùng thông minh chính là thị trường thông minh, từ đó sẽ quyết định người sản xuất thông minh”, ông Toản cho biết thêm.

Phục vụ mọi lúc mọi nơi

Để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch tại thị trường TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã cấp giấy chứng nhận cho 187 cơ sở tham gia chuỗi sản xuất an toàn, cũng như tiếp tục thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc đối với thịt, trứng, rau. TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai 10 chợ phiên an toàn. Tiêu chí để các đơn vị, doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm vào các chợ phiên này phải đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGap và tiêu chuẩn về ATTP. Doanh số đạt được của 10 chợ phiên là hơn 15 tỷ đồng/năm.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản Việt sạch khá cao.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, thực phẩm sạch và an toàn đang là mối quan tâm bậc nhất của người tiêu dùng hiện nay. Thực tế, khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm, đồng thời cũng quan hơn đến giá trị mà nó mang lại; đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm, đồ uống có lợi cho sức khỏe. Vì thế, việc quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế, lưu thông cho đến chế biến, bảo quản mới đảm bảo được chất lượng ATVSTP.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết, các sản phẩm nông sản Việt Nam còn mắc lỗi ở khâu nhãn mác sản phẩm, vì vậy đối với nhà sản xuất, nông dân cần chú ý nhãn mác sản phẩm cần rõ ràng, cung cấp tuyên truyền các lợi ích sức khỏe từ sản phẩm cho người tiêu dùng hiểu rõ; đa dạng các loại sản phẩm chế biến tươi sống lẫn sản phẩm đã qua sơ chế nhằm đáp ứng nhu cầu tiện lợi của khách hàng; tích cực đầu tư vào các mô hình mua sắm tiện lợi như: siêu thị nhỏ, giao hàng nhanh, dịch vụ đặt hàng trọn gói… để đưa thực phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng và phục vụ mọi lúc mọi nơi.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T, để giải quyết khó khăn khâu sản xuất nhỏ lẻ, các đơn vị, doanh nghiệp cần xây dựng các HTX nhằm liên kết nông dân với nhau cũng như liên kết giữa nông dân với các nhà doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông sản thô, chưa qua chế biến, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung nghiên cứu nhu cầu của thị trường nhập khẩu để hướng dẫn, phối hợp với người nông dân tạo sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn hướng đến nhu cầu xuất khẩu đi được nhiều nước.

Theo Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu