Thứ Sáu, 29/11/2024 23:51 (GMT +7)

Đức Hoà lưu giữ nghề truyền thống

Thứ 7, 11/03/2017 | 14:48:00 [GMT +7] A  A

Đến với ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì gần như nhà nhà, người người nơi đây đều biết đan lát mây tre thủ công. Nó trở thành nghề mà bao thế hệ người dân ấp Bàu Công truyền lại cho con cháu mình để kiếm thêm thu nhập cũng như lưu giữ một nghề truyền thống của quê hương. Khu vực này đã được Sở Công thương Long An công nhận làng nghề truyền thống đan mây tre vào năm 2016.

Nghề đan lát mây tre không biết xuất hiện tại ấp Bàu Công từ khi nào, những người lớn tuổi còn đan mây tre tại đây cũng không nhớ nỗi…mà chỉ biết họ được ông, bà, cha, mẹ truyền lại khi còn rất nhỏ. Người lớn dạy lại cho người nhỏ, cứ thế lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến hôm nay. Bà Trần Thị Lựu là trường hợp như thế. Hiện nay dù đã ở tuổi gần 80 nhưng vào những lúc rãnh rỗi bà Lựu vẫn đan lát những sản phẩm từ cây tre, cây trúc của quê hương.

Hiện nay, ở ấp Bàu Công, vào những lúc nông nhàn hay những khi rãnh rỗi, các chị, các mẹ lại ngồi lại với nhau để đan rỗ, nia, nấp… hoặc chỉ dạy cho con em mình. Theo các chị em tại ấp Bàu Công cho biết, nhiều cháu bé 7, 8 tuổi nơi đây cũng có thể đan được những sản phẩm đơn giản, nhiều người phụ nữ từ nơi khác về ấp Bàu Công làm dâu cũng được hướng dẫn, truyền lại nghề. Công việc đan lát mây tre này không phải dễ nhưng cũng không quá khó. Song nó đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mĩ của người làm mới có thể cho ra sản phẩm đẹp. Trong quá trình thực hiện sản phẩm đan lát, khâu chẻ nan cũng là khâu rất quan trọng. Nan chẻ phải mỏng và đều, sản phẩm khi đan sẽ nhanh và đẹp hơn.

Từng đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt của những người phụ nữ chịu thương, chịu khó ấp Bàu Công đã đan nên những chiếc rỗ, nia, thúng, tràng, nấp… trong không khí vui vẽ chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm cùng nhau. Các sản phẩm này đều được bà Huỳnh Thị Gái, ngụ tại ấp Bàu Công thu mua tại chỗ, tạo điều kiện cho chị em có thêm thu nhập và không lo đầu ra.

Để giúp phụ nữ tại ấp Bàu Công phát triển làng nghề truyền thống, Chi hội Phụ nữ ấp thời gian qua cũng tổ chức nhiều hoạt động vận động hỗ trợ vốn cho chị em. Nhờ đó, số hội viên tham gia tổ đan lát mây tre truyền thống cũng ngày càng nhiều hơn. Qua đó hàng năm, đã giúp đỡ từ 1 đến 2 hội viên thoát nghèo.

Nghề đan lát mây tre tại ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ đã và đang góp phần gìn giữ hồn quê. Những sản phẩm gần gũi, bình dị từ cây tre, cây trúc ấy đã tạo nên thương hiệu cho một làng nghề truyền thống của vùng đất anh hùng trong chiến tranh và xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tin rằng làng nghề này sẽ được gìn giữ và tiếp tục lưu truyền cho mai sau.

NHÃ PHƯƠNG-KIM THANH

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu