Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 03:41 (GMT +7)
Đức Huệ hiệu quả mô hình trồng đậu đen, đậu xanh của Chi hội phụ nữ
Thứ 5, 06/10/2022 | 10:47:13 [GMT +7] A A
Gần 03 năm nay, trên tuyến đường bờ kênh của Kênh 61 thuộc Ấp 4, xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ luôn được phủ bởi màu xanh của cây đậu đen, đậu xanh. Đây là mô hình sinh kế do Chi hội phụ nữ Ấp 4 thực hiện không chỉ tạo ra cảnh quan môi trường của địa phương xanh, sạch, đẹp mà còn góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho các chị em hội viên phụ nữ để trang trải cuộc sống.
Nhận thấy cây đậu xanh, đậu đen thích nghi và phát triển tốt ở vùng đất sét, phèn bởi sức chống chịu hạn của nó. Cho nên từ những đoạn đường vốn hoang hóa, chị em phụ nữ ở kênh 61 đã mạnh dạn khai thác, đầu tư trồng chủ yếu hai loại đậu này, trong đó các chị trồng cây đậu đen xanh lòng nhiều nhất.
Bà Nguyễn Thị Minh – Chi hội trưởng phụ nữ Ấp 4, xã Bình Hòa Hưng chia sẻ: “Bà con ở đây chủ yếu đi làm kinh tế, chuyên môn là đi làm mướn cho nên từ năm 2018 bờ kênh này bắt đầu được mức đất lên rồi rải đất làm đường, 01 – 2 chị em đầu tiên trồng đậu đen, đậu xanh thấy có hiệu quả, rồi chi hội họp bàn và phát động cho chị em tham gia trồng đậu đen, đậu xanh để kiếm kế sinh nhai. Một năm, các cô trồng được 03 vụ, bắt đầu trồng vào đầu tháng 04, một vụ từ lúc tra (gieo) hạt xuống cho đến lúc thu hoạch trong vòng 02 tháng, thu hoạch hết đợt 1 xong các cô lại tra tiếp đợt hai, cứ thế làm tiếp luôn ba vụ. Chị em nào đất nhiều thì trồng 1 vụ được 50 kg trở lên còn chị em nào ít đất trồng 50m hai bên bờ kênh này thì thu hoạch được 30kg một vụ, trồng 3 vụ trong 06 tháng thì chị em thu hoạch từ 90 kg đến 150 kg. Tôi thấy mô hình này nó hiệu quả thu nhập thêm cho chị em được, và đã phát động cho chị em trên tuyến đường này khoảng 2km, trong đó có chục nhà các chị em đều tham gia trồng đậu hết.”
Trên tuyến đường, người dân không trồng đậu cùng một thời điểm mà phân chia ra, nhiều giai đoạn khác nhau. Vì vậy, hiện có những đoạn đậu đã được người dân thu hoạch xong hay có những đoạn đậu chỉ được khoảng 10 ngày tuổi cũng có đoạn đậu đang chờ bà con thu hoạch. Theo người dân nơi đây cho biết, cây đậu xanh, đậu xanh rất dễ chăm sóc, sâu bệnh cũng dễ phòng trừ.
Bà Nguyễn Thị Minh – Chi hội trưởng phụ nữ Ấp 4, xã Bình Hòa Hưng cho biết: “Chăm sóc thì dễ lắm, đường đá này nó cũng ít lên cỏ. Nếu có cỏ khi gieo hạt xuống được một tuần đến 10 ngày có cỏ thì bà con làm cỏ, còn thuốc sâu nếu sâu nhiều thì lúc nhỏ, đậu tầm 15 ngày các cô xịt một lần đầu rồi thôi còn, tối đến các cô soi đèn để bắt, ở đây chủ yếu là ốc sen nên tối đến các cô thường hay soi đèn bắt ốc sen để diệt chứ không nó cắt chết cây.
Mô hình sinh kế trồng đậu đen, đậu xanh của chi hội được triển khai vào đầu tháng 4 năm 2020 đến nay đã giúp chị em phụ nữ tại địa phương tăng thêm thu nhập, mỗi chị trồng sau khi trừ chi phí kiếm thêm từ 1 đến 2 triệu đồng trở lên/vụ, như vậy với 3 vụ/năm mỗi chị thu nhập được từ 3 đến 6 triệu đồng trở lên để trang trải chi phí trong gia đình. Đậu được bán chủ yếu cho bà con ở trên địa bàn xã và các ấp lân cận. Ngoài chăm sóc cây đậu phát triển xanh tốt, thì khâu bảo quản hạt để được sử dụng lâu dài không bị sâu, mối mọt cắn cũng được các gia đình quan tâm.
Ông Dương Văn Màu Ấp 4, xã Bình Hòa Hưng nói:“Gia đình tôi trồng khoảng 200m, vừa thu hoạch được khoảng 50 - 60 kg với giá bán 40 ngàn đồng/kg. Sau khi đậu già được hái xuống, mình đem phơi khô rồi vò thật kỹ cho hạt rơi ra và tiếp tục phơi hạt đậu cho thật khô một lần nữa, xong mình đem bỏ vào hủ rồi đem cất đi. Trồng đậu không chỉ đẹp đường làng ngõ sớm mà còn kiếm thêm ít tiền cho gia đình.
Thực hiện theo sự chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Đức Huệ thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” thì Hội LHPN xã đã phát động đến 4/4 chi hội trên địa bàn, trong đó chọn Chi hội Phụ nữ ở ấp 4 làm điểm để thực hiện cuộc vận động và phát động trong chi hội. Qua đó, chi hội đã mô hình để thực hiện đó là vừa trồng hoa trên hai tuyến đường trước cửa nhà và trồng thêm đậu đen, đậu xanh. Mô hình ngoài có thêm cái thu nhập hàng tháng cho chị em, còn tạo cho các chị có cái suy nghĩ là mình làm sao đó để vừa sạch ở trước cửa nhà mà vừa sạch ở trong nhà vì thế các chị đã tích cực hưởng ứng thực hiện. Từ sự hiệu quả của mô hình mang lại, trong thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng đậu xanh, đậu đen ở các ấp tại địa phương, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Hòa Hưng thông tin thêm.
Mô hình sinh kế trồng đậu xanh, đậu đen là mô hình rất thiết thực, với những đặc tính công dụng mang lại lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng, nên đậu được khách hàng lựa chọn dùng thường xuyên. Do vậy, đầu ra sản phẩm đậu xanh, đậu đen của người dân ở kênh 61 luôn ổn định, đã giúp cho các hộ dân trồng có nguồn thu nhập cho gia đình, mặt khác còn góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở địa phương./.
Kim Tiến – Tấn Hữu
Ý kiến ()