Thứ Hai, 25/11/2024 17:56 (GMT +7)

Đức Huệ : Nông nghiệp là khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội

Thứ 3, 15/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Là huyện thuần nông, Đức Huệ xác định lấy nông nghiệp là khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó, huyện đã điều chỉnh quy hoạch nông, lâm, ngư nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý, phát triển đúng hướng, có hiệu quả.

5 năm gần đây, Đức Huệ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từ: lúa, đậu, bắp, mè,….năng suất thấp sang trồng chanh, thiên lý, chăn nuôi trâu bò,…..Các xã vùng bưng như Bình Hòa Nam, Bình Hòa Bắc, Bình Thành, Bình Hòa Hưng, Mỹ Bình sản xuất lúa kém hiệu quả nay chuyển hơn 2.000 hecta sang trồng chanh với nhiều khởi sắc khi lợi nhuận bình quân từ đạt từ 150 – 200 triệu đồng/hecta. Ngoài ra, Đức Huệ cũng đã được các ngành chức năng của tỉnh Long An hỗ trợ kinh phí cải thiện đàn bò giống lai sind với trên 600 con, từ đó chất lượng và đàn bò địa phương được nâng lên, cho hiệu quả cao về thu nhập. Những trang trại lớn với quy mô chăn nuôi hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn con gia súc bắt đầu hình thành. Toàn huyện, có 14 trang trại, chủ yếu là chăn nuôi: heo, gà, trâu, bò và cá.

images (3)

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, hội nông dân huyện còn phối hợp với phòng nông nghiệp, khuyến nông, bảo vệ thực vật để chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, chăn nuôi cho người dân. Đồng thời, phối hợp cùng ngân hàng chính sách huyện giải ngân 85 tổ vay vốn với 3.200 hộ nông dân vay cùng số tiền trên 65 tỷ đồng, tính từ năm 2005 đến nay. Ngoài ra, thông qua quỹ hộ trợ nông dân 3 cấp với 1,3 tỷ đồng đã giúp 60 hộ nông dân vay vốn trồng khoai từ, chăn nuôi trâu, bò và trồng chanh. Từ đó, giúp người dân có thêm kinh phí đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất chăn nuôi.

Từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, số lượng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tăng 12%/năm. Năm 2015, toàn huyện có gần 850 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã và gần 170 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện góp phần tạo ra nhiều sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, thực hiện giảm nghèo bền vững, đáp ứng mong muốn của Bác “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm”./.

Duy Huệ – Xuân Quốc

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu