Thứ Hai, 25/11/2024 04:42 (GMT +7)

Dùng nhầm người, đặt nhầm chỗ sẽ là tai họa cho đất nước

Thứ 7, 04/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Trong cuộc họp của Chính phủ vào đầu tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng một Chính phủ liêm chính, nói không với tham nhũng.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, chắc chắn hơn 90 triệu dân Việt Nam rất ủng hộ quan điểm của Thủ tướng. Quy trách nhiệm cụ thể cho từng vị trí công tác là một yêu cầu cần thiết để xây dựng một hệ thống các cơ quan nhà nước trong sạch, phát huy được trách nhiệm với nhân dân.

dung nham nguoi, dat nham cho se la tai hoa cho dat nuoc hinh 0
Ông Vũ Mão cho rằng, lựa chọn, đào tạo, sử dụng và đánh giá cán bộ cần phải thật khắt khe

PV: Ông có suy nghĩ gì trước phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là phải xây dựng một Chính phủ hiệu quả, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, một Chính phủ làm gương cho xã hội về việc nói đi đôi với làm?

Ông Vũ Mão: Vấn đề Thủ tướng nêu ra như vậy là hết sức cần thiết, nhằm siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, vì những năm qua Nghị quyết của Trung ương đã nhiều lần khẳng định có một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống. Bây giờ phải có các biện pháp mạnh để ngăn chặn chuyện đó.

Ngay sau khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã rất chú trọng tới công tác cán bộ.

Người chỉ rõ cán bộ “là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.

Bác chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, trong xây dựng Đảng, công tác cán bộ là một trong những công tác quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định tới toàn bộ công tác xây dựng lực lượng cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nhờ chú trọng huấn luyện và xây dựng lực lượng cán bộ tốt, Đảng ta đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Người đề ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cốt lõi của người cán bộ cách mạng xây dựng xã hội mới và thường xuyên quan tâm tới vấn đề phẩm chất đạo đức của người cán bộ.

Để làm tròn nhiệm vụ của mình mỗi cán bộ đảng viên phải vừa có đức, vừa có tài, vừa có năng lực vừa có phẩm chất. Đây là yêu cầu khắt khe nhưng hết sức quan trọng, cho nên trong lựa chọn đào tạo cán bộ, đánh giá cán bộ không thể dễ dãi.

PV: Từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Trung ương, theo ông cần triển khai tuyên bố của Thủ tướng vào thực tế thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất?

Ông Vũ Mão: Theo tôi, người đứng đầu Chính phủ tuyên bố mạnh mẽ như vậy là hết sức cần thiết. Nhưng điều cần làm ngay bây giờ là phải hiện thực hóa yêu cầu đó của Thủ tướng Chính phủ, để tạo ra hiệu ứng tích cực với tất cả các cấp chính quyền, thực sự hành động vì lợi ích của dân.

Vấn đề liêm chính nói ở một góc độ khác thì cũng là chống tham nhũng, chống tư lợi. Đối với vấn đề này về mặt xây dựng luật pháp, tôi cho rằng cần phải cụ thể chi tiết hơn, phải loại bỏ tình trạng luật khung như nhiều năm vừa qua. Trong khi xây dựng luật cũng phải tính ngay tới việc ngăn chặn lạm quyền, ngăn chặn lợi ích nhóm.

Vấn đề thứ hai là triển khai vào thực tế thì Trung ương đã nhiều lần chỉ ra tham nhũng còn diễn biến phức tạp, kết quả đấu tranh chưa đạt yêu cầu, mong muốn của nhân dân.

Vậy thì bây giờ phải làm gì để có kết quả đấu tranh chống tham nhũng tốt hơn?

Hãy nhìn ngay vào câu chuyện đơn giản nhất, nói nhiều năm nay chưa thay đổi, đó là kê khai tài sản. Nói rồi để đấy, có làm được gì đâu.

Vừa rồi, bầu Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, đáng lẽ ra phải thúc đẩy công tác kê khai tài sản, công khai ngay các bản kê khai ấy thì cũng bỏ qua. Đấy là điều đáng tiếc, vì đã là đại biểu của dân thì phải minh bạch mọi chuyện.

Chúng ta đã nghe nhiều về một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái tư tưởng, thoái hóa, biến chất. Nhưng bây giờ phải chỉ ra được một bộ phận không nhỏ ấy là ai?

PV: Thưa ông, kết thúc năm 2015 thì Tổ chức hướng tới sự minh bạch tiếp tục xếp Việt Nam ở thứ hạng rất thấp khi khảo sát về liêm chính. Đáng chú ý, đa phần những người được hỏi đánh giá cao giá trị liêm chính, nhưng họ cũng sẵn sàng chấp nhận tiêu cực để được việc. Đó có lẽ là một mâu thuẫn rất khó giải quyết?

Ông Vũ Mão: Chúng ta hội nhập nghĩa là chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường. Cái đạt được là nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn, đời sống của nhân dân được cải thiện, nhưng đồng tiền cũng làm tha hóa nhiều cán bộ.

Theo tôi để xảy ra những sự việc liên quan tới sai phạm của cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao thì đầu tiên là do chính người đó không chịu rèn luyện, cho nên cứ nghĩ mình có chức tước rồi thì muốn làm gì cũng được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, cán bộ phải suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng.

Người cán bộ phải đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và lên trước hết, phải kiên quyết “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Phải trung thành, tận tụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, “phải hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, “việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ, cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ, cũng hết sức tránh”.

Chúng ta đã để rất nhiều công sức tổ chức học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm qua. Vậy chúng ta đã học được những gì? Học tập rồi mà không áp dụng được vào cuộc sống thực tế thì đó là điều vô cùng đáng tiếc.

PV: Điều gì sẽ xảy ra với đất nước này nếu các chỉ số liêm chính không được cải thiện, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Rõ ràng đó là một nguy cơ lớn cho đất nước và là cơ hội cho các thế lực thù địch khoét sâu vào sự rạn nứt giữa cán bộ với người dân.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, công tác cán bộ bộc lộ nhiều tồn tại cần phải có nghiên cứu đánh giá và chấn chỉnh. Trung ương cũng từng nhiều lần nhắc tới chuyện chạy chức chạy quyền, nhân dân thì căm ghét những loại cán bộ sống xa hoa, vơ vét tiền bạc của nhà nước về làm của riêng; vợ con, người thân lợi dụng để làm nhiều chuyện có lợi riêng cho mình.

Vì vậy, Trung ương cần phải nghiêm túc kiểm điểm lại cán bộ ở tất cả các cấp, chỉ khi cán bộ có trình độ năng lực, có tâm sáng và được đặt vào đúng vị trí thì mới phát huy được năng lực. Nếu dùng nhầm người, đặt cán bộ nhầm chỗ sẽ là một tai họa cho đất nước.

Một ông bác sĩ tay nghề kém có thể gây ra nguy hiểm đối với một con người và bị phát hiện ngay, nhưng cán bộ yếu kém thì họ vẫn có nhiều cách che đậy nên không dễ phát hiện.

Nguy hiểm là cán bộ yếu kém thì có khi lại sợ người bên cạnh giỏi hơn mình, và thế là tìm mọi cách để không sử dụng người tài, chỉ tìm những người dễ sai bảo, những người nịnh nhiều hơn làm. Những cán bộ yếu kém thì tất nhiên tầm nhìn và lựa chọn cán bộ cấp dưới cũng kém nốt. Đó là mối nguy rất lớn cho tương lai của đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Theo Ngọc Quang/GDVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu