Thứ Tư, 27/11/2024 07:35 (GMT +7)

Đường sắt phải giảm giá vé và tăng chất lượng dịch vụ vận chuyển

Thứ 3, 21/02/2017 | 10:11:00 [GMT +7] A  A

Ngày 20/2, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã đối thoại với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng đường sắt.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, phụ trách Hội đồng thành viên VNR, mặc dù năm 2016, VNR có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn gặp nhiều thách thức, vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến công tác kinh doanh và chất lượng phục vụ khách hàng. Đặc biệt, thời gian chạy tàu hàng còn dài, giá vé, giá cước chưa thực sự linh hoạt theo biến động của thị trường; kinh doanh kết cấu hạ tầng còn mất thời gian về thủ tục…

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu chỉ đạo tại cuộc đối thoại

“Năm 2017 tiếp tục là năm thách thức với ngành đường sắt nhưng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm và đồng ý phê duyệt đề án nâng cấp hạ tầng đường sắt nhằm nâng cao năng lực vận tải và hành khách. Tuy vậy để vượt qua khó khăn, ngành đường sắt cần nghiên cứu giảm giá cước vận tải nhằm cạnh tranh với các loại hình vận tải khác”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.

Trước thực tế, theo ông Nguyễn Viết Hiệp, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh VNR, năm 2017, VNR sẽ phải đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ giá rẻ để mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tượng khách hàng. Tập trung tổ chức kinh doanh vận tải từ kho đến kho. Đồng thời, điều chỉnh giá cước, đảm bảo cạnh tranh các loại hình vận tải khác, hấp dẫn với khách, chủ hàng nhằm tăng lợi ích cho doanh nghiệp và các đối tác, khách hàng.

Bên cạnh đó, VNR cần triển khai thêm các chính sách khuyến mãi mới đối với khách hàng, nhất là khách hàng tiềm năng đã có thời gian dài gắn bó với đường sắt; xây dựng định mức và đơn giá các sản phẩm kinh doanh dịch vụ cho thuê sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và dịch vụ khác đảm bảo công khai, minh bạch.

Tại cuộc đối thoại này, nhiều doanh nghiệp hàng hóa cho rằng, hiện ngành Đường sắt còn nhiều hạn chế trong thực hiện vận tải logistics và các dịch vụ gia tăng, khiến giá thành vận tải trọn gói hàng hóa còn cao, sức cạnh tranh với các phương tiện khác kém. Chính sách giá cước kém linh hoạt và chưa có kế hoạch dài hạn để khách hàng chủ động trong sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp du lịch lữ hành.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, đại diện Công ty Bê tông Bảo Vân (Vĩnh Phúc) là khách hàng chuyên vận chuyển xi măng, sắt thép thường xuyên trên các tuyến đường sắt nhận xét, vận chuyển đường sắt rẻ hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, giá cước vẫn cao dù đã được giảm giá do còn nhiều phụ phí (như phụ phí dồn toa, chiều rỗng toa) làm doanh nghiệp khó tính toán. Vì vậy, ngành đường sắt tính toán giảm 20-30% so với giá hiện nay sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, việc vận chuyển của đường sắt còn chậm nên giá thành chỉ rẻ khi vận chuyển quãng đường dài còn ngắn thì không rẻ hơn các loại hình vận tải khác vì phải mất thêm tiền dỡ tải.

Còn đại diện Công ty Tân Cảng – Sài Gòn đề xuất nên lựa chọn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về kinh tế vận tải, logistic cho ngành đường sắt để tăng khả năng cạnh tranh.

Đại diện Công ty Xăng dầu Lào Cai Dương Tuấn Dũng cho hay, trước đó công ty vận chuyển hàng trăm nghìn tấn xăng dầu mỗi năm từ Hải Phòng đi Lào Cai đều bằng đường sắt. Tuy nhiên từ khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi vào hoạt động với phương thức vận tải dễ dàng nên khá hấp dẫn. Do đó, để đường sắt có thể cạnh tranh với đường bộ đề nghị Tổng công ty nên có giá thành ưu đãi, đề nghị nâng khối lượng vận chuyển cho toa tàu lên.

Vì vậy, để tăng chất lượng phục vụ các doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc VNR Phan Quốc Anh cam kết sẽ tập trung tổ chức kinh doanh vận tải hàng hóa từ kho đến kho; triển khai thêm các chính sách khuyến mãi mới đối với khách hàng; Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ vận tải; Tăng cường các hoạt động xã hội hóa trong kinh doanh vận tải đường sắt…

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, kiến nghị về cải thiện hạ tầng đường sắt đang được bàn bạc trong dự thảo Luật Đường sắt. Trong đó, các cơ quan của Quốc hội đều thống nhất phải có chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển hạ tầng của ngành đường sắt trong thời gian tới.

TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu