Thứ Bảy, 30/11/2024 02:34 (GMT +7)

Gần 180.000 tỷ đồng dành cho tín dụng chính sách

Thứ 6, 24/11/2017 | 11:51:00 [GMT +7] A  A

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hành Chính sách Xã hội đã đạt 179.877 tỷ đồng, tăng 17.411 tỷ đồng so với năm 2016; tổng dư nợ là 169.699 tỷ đồng, tăng 12.327 tỷ đồng so với năm 2016.

Một hộ nông dân Lai Châu phát triển chăn nuôi nhờ vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách và Xã hội tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40. Nhờ quán triệt chỉ thị này, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã được tăng cường rõ rệt. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đoàn thể các cấp cũng đã chú trọng hơn đối với việc chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Đồng thời, thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả phối hợp thực hiện đối chiếu, phân tích nợ vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội…

Về tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách, mặc dù có nhiều khó khăn về kinh tế nhưng Chính phủ và các Bộ, các ngành vẫn ưu tiên dành nguồn vốn để bổ sung cho tín dụng chính sách. Kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng được tăng 8% trong năm 2017, kịp thời đáp ứng các nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng dành hỗ trợ Ngân hàng Chính sách Xã hội về trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Đây là sự thay đổi rất căn bản trong việc xác định các hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay ưu đãi.

Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Bình Phước giải ngân vốn vay cho bà con nông dân tại xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã nhận được sự chia sẻ cộng đồng trách nhiệm từ 4 ngân hàng thương mại nhà nước như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam trong việc duy trì số dư tiền gửi 2% trên nguồn vốn huy động.

Đến nay, đã có 11.104 trong số 11.159 chủ tịch UBND cấp xã trên toàn quốc (chiếm tỷ lệ 99,5%) tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp huyện. Hoạt động phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác ngày càng được củng cố và nâng cao; ý thức của hộ vay trong chấp hành quy định về vay, trả được nâng lên rõ rệt; hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng được phát huy.

Các tỉnh, thành phố trong cả nước đã quan tâm hỗ trợ Ngân hàng Chính sách Xã hội về nguồn lực, trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tính từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã tăng thêm được 5.012 tỷ đồng; riêng 11 tháng của năm 2017 tăng 2.121 tỷ đồng. Điển hình một số tỉnh, thành phố chuyển nguồn vốn ủy thác cho vay nhiều như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đồng Tháp…

Đức Dũng (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu