Thứ Năm, 14/11/2024 14:14 (GMT +7)

Gần 212.000 ha lúa Đông Xuân gieo sớm có thể gặp rủi ro

Thứ 4, 04/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Làm đất để gieo sạ lúa ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, do lúa Hè Thu muộn giá cao, lợi nhuận khá nên dù chưa đến lịch thời vụ nhưng nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bơm nước, gieo sạ được 211.892 ha lúa Đông Xuân, tập trung ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang.

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam Đỗ Văn Vấn cho biết, những địa phương không có lũ có thể gieo sạ sớm, nhưng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp bà con không nên gieo sạ sớm bởi lúa Đông Xuân là vụ chính của năm, năng suất thường cao nhất.

Tuy nhiên, đối với diện tích lúa gieo sạ sớm, năng suất thường không cao bằng so với thời điểm gieo sạ chính vụ.

Lịch thời vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển ​Nông thôn khuyến cáo xuống giống đối với vụ lúa Đông Xuân 2015-2016 ở các tỉnh phía Nam là từ giữa tháng 11/2015 đến cuối tháng 12.

Do đó, đối với những diện tích lúa Đông Xuân gieo sạ sớm sẽ có nguy cơ rủi ro cao, bởi phải đối mặt với cỏ dại, lúa chét và ốc bươu vàng phá hoại do năm nay không có lũ, đồng thời ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Để sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2005-2016 hiệu quả, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam khuyến cáo nông dân nên chú trọng các biện pháp canh tác, nhất là phải làm đất kỹ để tránh lúa bị ngộ độc hữu cơ.

Đồng thời, đối với diện tích lúa gieo sạ sớm phải chuẩn bị bờ bao để chủ động bơm tát nước chống ngập úng.

Đặc biệt, năm nay, do không có lũ nên nông dân cần chủ động phòng, chống sự gây hại của rầy nâu, ốc bươu vàng, chuột và các loại bệnh đạo ôn, đốm vằn…

Ngoài ra, đối với những vùng chuẩn bị xuống giống lúa Đông Xuân 2015-2016, bà con cần làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, áp dụng kỹ thuật canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng” và biện pháp phun thuốc “4 đúng”, để tránh sự bùng phát dịch hại ở giai đoạn sau..

CÔNG TRÍ (TTXVN/VIETNAM )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu