Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 22:02 (GMT +7)
Gạo Việt Nam tìm đường vào thị trường Pháp
Thứ 6, 25/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Hàng năm, nước Pháp tiêu thụ trung bình khoảng 240.000 tấn gạo. Tuy nhiên, để xâm nhập được thị trường này cần phải có những hiểu biết về thói quen và sở thích của người tiêu dùng cũng như nhu cầu của thị trường.
Ngày 24/3, 27 doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong đó có các tổng công ty và tập đoàn lớn như Tổng Công ty Lương thực miền Nam, các công ty lương thực Long An, Tiền Giang, Sông Hậu…, đã có buổi làm việc với đại diện tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp Auchan tại Paris nhằm tìm hiểu nhu cầu nhập khẩu gạo của tập đoàn này trong việc cung ứng gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác cho thị trường Pháp và châu Âu.Tại buổi làm việc, ông Frédéric Yu, phụ trách bộ phận nhập khẩu hàng hóa của tập đoàn Auchan đã giới thiệu các chủng loại hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như tiêu chí chất lượng để được tập đoàn xem xét và nhập khẩu. Ông cho biết Pháp là một trong những thị trường tiêu thụ gạo lớn ở châu Âu. Hàng năm, nước Pháp tiêu thụ trung bình khoảng 240.000 tấn gạo. Tuy nhiên, để xâm nhập được thị trường này cần phải có những hiểu biết về thói quen và sở thích của người tiêu dùng cũng như nhu cầu của thị trường.
Đại diện tập đoàn bán lẻ Auchan giới thiệu chủng loại các mặt hàng cần nhập khẩu. |
Hiện thị trường Pháp đang tiêu thụ chủ yếu gạo Basmati của Ấn Độ, gạo thơm của Thái Lan, Campuchia. Gạo Việt Nam chưa xuất hiện nhiều tại các siêu thị và cũng chưa xây dựng được thương hiệu tại Pháp. Bên cạnh hạt gạo, thị trường Pháp cũng có nhu cầu nhập khẩu bột gạo để chế biến ra các sản phẩm khác.
Ngoài nhu cầu gạo, ông Frédéric Yu cũng giới thiệu quy trình nhập khẩu với các công đoạn như thương thảo trực tiếp giữa tập đoàn Auchan với doanh nghiệp bán hàng, ủy quyền cho nhà nhập khẩu trung gian đánh giá chất lượng và tiến hành các bước tiếp theo. Ông Frédéric Yu cho rằng nếu gạo thơm của Việt Nam đảm bảo chất lượng thì hoàn toàn có chỗ đứng tại thị trường Pháp.
Phát biểu nhân dịp này, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng gạo Việt Nam đang phải chịu mức thuế cao, từ 165 đến 175 euro cho mỗi tấn gạo nhập khẩu, điều này đã làm giảm tính cạnh tranh về giá. Thực tế cho thấy, gạo Campuchia vào Pháp khá nhiều do Campuchia được hưởng chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Liên minh châu Âu (EU) dành cho các nước đang phát triển. Pháp cũng nhập khẩu với số lượng gạo Thái Lan do nước này có lượng dự trữ gạo lớn và muốn giữ thị trường nên tìm mọi cách hạ giá bán.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết hàng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7-8 triệu tấn gạo, trong đó châu Á là thị trường lớn nhất. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã mở ra cơ hội để xâm nhập vào thị trường gạo cao cấp. Điều này cũng giúp nâng cao giá trị sản phẩm và trị giá kinh doanh cho hạt gạo Việt Nam.
Ông cho biết để phục vụ nhu cầu mở rộng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, Việt Nam bắt đầu chuyển đổi sản xuất theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông, Việt Nam có khả năng phát triển các loại gạo chất lượng cao, đặc biệt là gạo thơm; Pháp và EU là thị trường tiềm năng vì gạo Việt Nam có chất lượng đảm bảo và giá bán thấp. Ông hy vọng rằng trong thời gian tới, với những cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại như giảm thuế, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, gạo Việt Nam với sẽ cạnh tranh được với gạo Thái Lan và các loại gạo khác để mở rộng thị trường tại Pháp và EU.
Ý kiến ()