Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 22:43 (GMT +7)
Gặp mặt những điển hình tiên tiến làm theo lời Bác
Thứ 7, 02/06/2018 | 11:25:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Mỗi người một ngành nghề, công việc và lứa tuổi khác nhau, nhưng tất cả đều là điển hình trong phong trào thi đua yêu nước.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018), sáng nay (1/6), tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương 70 điển hình tiên tiến, đại diện cho 436.607 đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.
Mỗi người một ngành nghề, công việc và lứa tuổi khác nhau, nhưng tất cả đều là điển hình trong phong trào thi đua yêu nước. Họ mang đến hội nghị những thành tích, kết quả trong lao động, sáng tạo và đóng góp rất lớn cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
Ngoài tuổi 80, là đại biểu nhiều tuổi nhất trong 70 đại biểu về dự Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến MTTQ các cấp hôm nay, nhưng ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vẫn tràn đầy tâm huyết, trách nhiệm, say mê nghiên cứu, cống hiến và có nhiều đóng góp, tư vấn sâu sắc đối với các hoạt động của Mặt trận.
48 năm gắn bó với công tác Mặt trận, ông Nguyễn Túc có đóng góp rất lớn cho sự nghiệp đại đoàn kết. Ông cho rằng: công tác thi đua, khen thưởng đúng đối tượng có tác dụng cổ vũ rất lớn đối với phong trào chung. Hiện nay, còn tình trạng khen thưởng chưa đúng đối tượng, thậm chí tình trạng “chạy” bằng khen, thi đua hình thức… còn nhiều. Điều này cần phải được khắc phục triệt để, nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước.
Ông Nguyễn Túc nói: “Một nhà nước thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời là một nhà nước mạnh. Một nhà nước phạt nhiều hơn thưởng là nhà nước đang suy tàn. Nhà nước nào thưởng nhiều hơn phạt là nhà nước phồn vinh. Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn “thưởng phạt nghiêm minh, có công mới được thưởng huân chương, thưởng cái nào đích cái ấy”. Thấm thía những lời chỉ giáo nêu trên, đối với thực trạng công tác thi đua khen thưởng hiện nay chúng tôi thấy việc đổi mới công tác thi đua khen thưởng nói chung là hết sức cần thiết”.
Là người con ưu tú của dân tộc Mông, ông Thào A Bua, Trưởng ban công tác Mặt trận bản Dân Quân, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã tích cực tuyên truyền, vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu; phòng, chống tội phạm, ma túy, góp phần mang lại sự bình yên cho dân bản.
Ông Thào A Bua đã vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả việc xóa bỏ tập tục lạc hậu trong tổ chức ma chay, cưới xin… trong đồng bào dân tộc Mông.
Bên cạnh đó, tích cực tham gia đóng góp làm đường xây dựng nông thôn mới, đấu tranh phòng, chống tội phạm vận chuyển, tàng trữ sử dụng chất ma túy góp phần xóa và làm sạch địa bàn trọng điểm về vận chuyển ma túy qua biên giới Lào vào Việt Nam.
Ông Thào A Bua chia sẻ: “Đầu tiên tôi khuyên nhủ bà con dần dần học theo, và sau đó dần bỏ hết. Đám cưới ngày xưa người mông đám cưới 1 ngày một đêm xong bày bừa, lãng phí. Khi say rượu lại gây rối mất trật tự. Tôi tuyên truyền bà còn bỏ việc đó, không nên mang rượu ra ngoài uống. Bây giờ đám cưới theo Đảng, Nhà nước, cỗ đã cho vào mâm, mời bà con ai đến ăn chung vào tổ chức 2-3 tiếng, xong là về hết. Nói thế bà con hiểu, bây giờ bản tôi đều như thế, không như trước nữa”.
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, Luật sư Trương Thị Hòa, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tích cực tham gia các công tác giám sát, phản biện ở nhiều lĩnh vực như góp ý đối với những công trình, dự án lớn của thành phố, đặc biệt là đề án xây dựng “chính quyền đô thị”.
Luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ: “Quan điểm yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không phân biệt việc lớn, việc nhỏ. Chúng tôi thấy không phải việc lớn mình mới làm, còn việc nhỏ thì không làm. Chúng tôi hoàn toàn không có sự phân biệt đó.
Bác Hồ nói không phân biệt tuổi tác, cho nên bây giờ trên 70 tuổi, trong những công tác phản biện, giám sát, những công tác góp ý cho những công việc của địa phương cũng như trong công tác tuyên truyền pháp luật… chúng tôi rất mừng mình đã làm với tất cả tấm lòng. Khi đi giới thiệu luật phòng chống ma túy, có những em, có những gia đình đã bàn với tôi tự nguyện đi cai nghiện”.
Trong số 70 đại biểu dự hội nghị biểu dương hôm nay còn có bà Tô Thị Kim Yên, Chủ nhiệm hội Nữ doanh nhân huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Là cá nhân tiêu biểu, bà Tô Thị Kim Yên đã đóng góp và vận động bà con trong thôn, xã đóng góp trên 100 triệu đồng xây dựng đường bê tông, 12 tỷ đồng xây dựng đình chùa. Trong 7 năm: Tặng khoảng 1000 suất quà với tổng số trên 3 tỷ đồng; tặng bò sinh sản với số vốn ban đầu 234 triệu đồng.
Bên cạnh đó, bà Tô Thị Kim Yên thường xuyên phản ánh tình hình nhân dân, đóng góp ý xây dựng chương trình thống nhất hành động của MTTQ các cấp phù hợp với thực tiễn, góp ý kiến, kiến nghị để giải quyết dứt điểm những vấn đề đặt ra ở cơ sở như: trong xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thu gom rác thải…
Bà Tô Thị Kim Yên chia sẻ: “Thi đua phải thực hiện nhiệm vụ của mình và tích cực, luôn luôn đi đầu mọi phong trào. Như phong trào vận động quỹ vì người nghèo, phong trào xây dựng nông thôn mới, mình phải là người đi đầu phong trào. Từ đó về cơ sở của mình cố gắng hơn nữa, làm tròn trách nhiệm của người làm công tác mặt trận và Hội đồng dân, làm cho dân tin, dân mến, hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Ông Nguyễn Túc, ông Thào A Bua, Luật sư Trương Thị Hòa, bà Tô Thị Kim Yên chỉ là 4 gương mặt trong hàng ngàn gương điển hình tiên tiến làm theo lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác. Bằng những việc làm thiết thực, họ xứng đáng được tôn vinh và ghi nhận, xứng đáng là đại diện cho“những người yêu nước nhất”./.
Theo Lại Hoa/VOV1
Ý kiến ()