Thứ Ba, 26/11/2024 17:34 (GMT +7)

Ghi nhanh tại Giải báo chí quốc gia lần thứ X

Thứ 4, 22/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Cái nóng hầm hập của tiết trời mùa hạ đã dịu bớt, nhường chỗ cho “sức nóng” bên trong Cung văn hóa Hữu nghị – nơi diễn ra buổi lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ X năm 2015.

Chủ tịch nước nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu tới dự lễ trao Giải Báo chí Quốc gia năm 2015. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Năm nào cũng vậy, giải thưởng danh giá nhất của làng báo Việt Nam – Giải Báo chí Quốc gia được tổ chức trọng thể để chào mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây cũng là dịp trọng đại để tôn vinh những người làm báo cách mạng đã nỗ lực sáng tạo, gặt hái được nhiều thành quả trên “cánh đồng báo chí” trong năm qua.

Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ X năm 2015 khai mạc lúc 20 tối 21/6 tại Cung văn hóa Hữu nghị. Tuy nhiên, trước đó gần một giờ đồng hồ, đông đảo người làm báo cùng gia đình, bạn bè, người thân đã nô nức đổ về nơi đây.

Thời điểm này, “nóng” nhất lúc này có lẽ là khu vực sảnh chính với sự xuất hiện của nhiều tay máy, cây viết của làng báo khắp 3 miền. Sức nóng lan tỏa nhanh chóng từ những vòng ôm thân thiết, những cái bắt tay thật chặt đến những bó hoa tươi thắm được bạn bè, đồng nghiệp dành tặng các tác giả đoạt giải.

Phóng viên nhiều cơ quan thông tấn, báo chí cũng tranh thủ tác nghiệp ngay trước thềm lễ trao giải. Họ chụp ảnh, ghi hình, phỏng vấn để có được tin, bài, phóng sự chất lượng, kịp thời gửi về tòa soạn đúng trong ngày trọng đại của làng báo. Trong sự hối hả đó, họ vẫn không quên chúc mừng bạn bè, đồng nghiệp trong ngày vui chung của làng báo.

Mái tóc húi cua, nước da nâu dạn dày sương gió, phóng viên Vũ Viết Đoàn của Báo Thời nay (một ấn phẩm của Báo Nhân dân) vừa xuất hiện đã bị “vây” trong vòng tay và những lời chúc của đồng nghiệp.

Vũ Viết Đoàn quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Anh đã có vợ và hai con, hiện là phóng viên thường trú khu vực phía Nam của Báo Thời nay. Là người xông xáo, Đoàn chẳng ngại gian khó, luôn lăn xả vào những điểm nóng, phản ánh mọi mặt của cuộc sống, chuyển tải những mô hình hiệu quả, cách làm hay đến bạn đọc.

Từ báo Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển sang Báo Thời nay vào năm 2010, Đoàn đi nhiều, viết khỏe và đã gặt hái được không ít thành công. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, anh từng đoạt giải B, Giải Báo chí Quốc gia với loạt bài 2 kỳ “Tìm đầu ra cho trái cây Việt”. Anh còn thể hiện khả năng ở nhiều lĩnh vực khác, thậm chí bạn bè, đồng nghiệp còn thấy anh xăng xái tham gia cả hoạt động phát hành.

Thường ăn mặc theo phong cách khá tự do, thiên về tính hiệu quả khi đi tác nghiệp, lần đi nhận giải này trông anh có vẻ chỉn chu hơn khi “đóng bộ” áo sơ mi-quần tây. Nam phóng viên 39 tuổi này chia sẻ về loạt bài 5 kỳ “Đầu tư cho nông nghiệp” đoạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ X.

Để có được loạt bài công phu, sâu sắc này, anh cùng đồng nghiệp Lê Quang Nhung (phóng viên cơ quan thường trú tại Bến Tre) lên kế hoạch, thu thập tài liệu và hoàn thành loạt bài trong vòng 1 tháng. Các anh đã tới nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phản ánh những bất cập trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có tình trạng thương lái ép giá nông sản, doanh nghiệp “lách luật” để ăn chặn tiền hỗ trợ của bà con…

Chùm bài cũng ghi nhận ý kiến phản hồi, kiến nghị của người dân lên các nhà hoạch định chính sách. Đồng thời, các bài viết cũng nêu gợi ý, giải pháp về phát triển nông nghiệp chất lượng cao ở vựa lúa phía Nam Tổ quốc. Loạt bài viết được bạn đọc đón nhận, dư luận đánh giá cao đã lọt vào “mắt xanh” của Hội đồng Giải báo chí quốc gia. Các thành viên Hội đồng đã thống nhất trao giải A thể loại Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký, Ghi chép (báo in) cho chùm bài “Đầu tư cho nông nghiệp”.

Vũ Viết Đoàn chia sẻ rằng anh vừa hoàn thành loạt bài 3 kỳ về hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Với loạt bài đi về hướng mở sau hạn mặn này, anh cũng dự định lựa chọn, gửi tham dự Giải Báo chí Quốc gia năm sau.

Tiếng chuông báo hiệu lễ trao giải sắp bắt đầu vang lên. Mọi người nhanh chóng vào khán phòng và ổn định chỗ ngồi, chăm chú hướng lên sân khấu, thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, vui tươi chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Lễ kỷ niệm năm nay, anh chị em báo chí cả nước vui mừng chào đón sự hiện diện của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các nhà báo lão thành cùng đông đảo cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí tới chia vui, chúc mừng…

Ban tổ chức trao giải B cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Phần quan trọng nhất và cũng là phần được mong chờ nhất của buổi lễ đã đến. Danh sách giải thưởng, tác giả đạt giải lần lượt được xướng lên, cùng với đó là những gương mặt hân hoan bước lên khán đài nhận thưởng.

Buổi lễ khép lại, mọi cảm xúc vỡ òa. Các tác giả, nhóm tác giả đạt giải được vây kín trong vòng tay, hoa tươi, cùng những lời chúc mừng của bạn bè, đồng nghiệp và người thân.

Rất hiếm khi xuất hiện tại sự kiện quan trọng mà không có “máy cầm tay, máy đeo cổ”, nhóm phóng viên của Ban Biên tập Ảnh, Liên Chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam có vẻ không tự tin lắm khi trở thành nhân vật chính trong các bức ảnh của đồng nghiệp.

Tại lễ trao Giải năm nay, các anh: Trí Dũng, Quang Hải, Đức Tám, Thống Nhất, Nguyễn Khang vinh dự đón nhận giải B (không có giải A) thể loại Ảnh báo chí cho tác phẩm “Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9”.

Đại diện cho nhóm tác giả đã “dày dặn kinh nghiệm trận mạc” này, phóng viên Trí Dũng cho biết: Bộ ảnh đoạt giải gồm 10 tấm được các anh lựa chọn từ hơn 1.000 bức ảnh phát mạng của Thông tấn xã Việt Nam trong chính ngày kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9.

Bộ ảnh được đánh giá là thể hiện tốt tầm vóc sự kiện trọng đại của đất nước. Để có được những tác phẩm xuất sắc ấy, Ban Biên tập Ảnh đã chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, phân công công việc cụ thể, trao đổi từng cá nhân ở từng vị trí then chốt… trước khi sự kiện diễn ra rất lâu.

Đúng ngày diễn ra sự kiện, Ban huy động tổng lực phóng viên các phòng tỏa đi khắp nơi để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của đất nước sau 70 năm độc lập. Ở những điểm chốt, phóng viên sau khi chụp ảnh phải nhanh chóng tìm cách truyền về “tổng hành dinh”, bộ phận biên tập khẩn trương làm việc, kịp thời phát sớm những tấm ảnh đầu tiên về sự kiện.

Từng được “đứng chốt” ở Hội trường Ba Đình các năm 2000 và 2005, anh Trí Dũng nắm bắt rất rõ các thời điểm quan trọng nhất của sự kiện nên không cho phép xảy ra sai sót dù nhỏ nhất bởi “ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc”, nếu để vuột mất khoảnh khắc đó thì sẽ không bao giờ có lại được.

Cẩn thận, kỹ lưỡng và chi tiết nên những bức ảnh của Ban Biên tập Ảnh (Thông tấn xã Việt Nam) về ngày lễ Quốc khánh 2/9 trọng đại của dân tộc đã được đông đảo đồng nghiệp bình chọn là những tác phẩm xuất sắc nhất. Bộ ảnh cũng đã được Thông tấn xã Việt Nam trao giải thưởng.

Lăn lộn mấy chục năm trong nghề, đã kinh qua nhiều vị trí công tác, anh Trí Dũng hiện là Trưởng Ban Biên tập Ảnh của Thông tấn xã Việt Nam – cơ quan báo chí có bề dày lịch sử, uy tín hàng đầu của nước ta. Anh và các đồng nghiệp đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý, ghi nhận những nỗ lực, sáng tạo trong công việc, trong đó có cả những giải thưởng cao nhất tại Giải Báo chí Quốc gia. Với anh, giải thưởng năm nay là thành quả chung của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên toàn Ban, là niềm vui chung của người làm báo trong Ngày Báo chí Cách mạng 21/6.

Khi những ồn ào, náo nhiệt dần lắng xuống, niềm vui tràn ngập Cung văn hóa Hữu nghị dường như được lan tỏa trên những nẻo đường, từng góc phố về đêm. Một mùa giải thành công đã khép lại và cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho những người làm báo cả nước trên chặng đường sáng tạo, ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng…

TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu