Đặc biệt, theo phương án gồm cả 5 bậc và 1 giá, giá điện tính theo bậc 5 (từ 701kWh trở lên) có giá từ 3.449-5.109 đồng/kWh, trong khi giá điện bậc 5 của phương án 1 là 3.132 đồng/kWh. Điều này cũng dẫn đến mức giá điện 1 bậc cũng thay đổi theo, với phương án (2A) là 2.703 đồng/kWh (bằng 145% mức giá điện bình quân) và 2.890 đồng/kWh (bằng 155% mức giá bán điện bình quân).
TS Ngô Đức Lâm phân tích: “Giá điện bình quân là giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện. Trong đó, giá điện bình quân được tính để đảm bảo cho tất cả các đơn vị điện lực và toàn ngành điện duy trì được các chỉ tiêu tài chính để hoạt động bình thường và có lãi, bảo đảm tái đầu tư và phúc lợi.
Giá điện bình quân không cố định hàng năm, thậm chí hàng quý mà được điều chỉnh có lên, có xuống; thực hiện khi thay đổi đầu vào (như giá nhiên liệu, tỷ giá thay đổi và cơ cấu nguồn điện thay đổi (phụ thuộc vào thời tiết)…”.
Chuyên gia kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các mức giá điện một giá mà Bộ Công Thương đưa ra (2.703 hoặc 2.890 đồng/kWh) là cao hơn rất nhiều so với mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân hiện nay (đang là 2.018 đồng/kWh). Vậy, nếu thực hiện “điện 1 giá”, liệu có được là 100% mức giá bình quân để áp dụng cho mọi đối tượng khách hàng không là vấn đề cần nghiên cứu.
Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù thị trường điện cạnh tranh đã và đang thực hiện được 2 cấp độ phát điện và bán buôn điện, nhưng vẫn còn chưa hoàn thiện. Thị trường bán lẻ điện sẽ thực hiện như thế nào cũng là vấn đề đáng bàn khi thời gian đến năm 2023 đã phải thực hiện theo lộ trình.
Phải có đánh giá cụ thể khi thay đổi biểu giá
Về quan điểm lập và điều chỉnh giá, PGS. TS Nguyễn Minh Duệ khẳng định, phải tuân theo Luật Điện lực, trên cơ sở 5 nguyên tắc: thứ nhất là tôn trọng chính sách năng lượng quốc gia, chính sách giá năng lượng nói chung và đặc biệt là chính sách giá điện. Thứ 2 là điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ; Thứ 3 là quan hệ cung cầu về điện giữa nguồn cung cấp và nhu cầu của các hộ tiêu thụ; Thứ 4 là chi phí sản xuất, kinh doanh điện và lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực nhằm đảm bảo tài chính cho phát triển ngành điện và thứ 5 là mức độ phát triển của thị trường điện lực.
Theo PGS. TS Nguyễn Minh Duệ, Bộ Công Thương và ngành điện cần đánh giá hiệu quả của việc áp dụng giá điện theo 6 bậc thang hiện hành. Nếu thay đổi biểu giá này cũng cần có các đánh giá cụ thể.
“Bộ Công thương chưa hề đánh giá việc áp dụng giá 6 bậc thang đã mang lại lãi cho ngành điện như thế nào, cho người tiêu dùng như thế nào, và đã tiết kiệm như thế nào, đã hỗ trợ cho người nghèo ra sao… Để xem tốt thì ta tiếp tục thưc hiện, mà chưa tốt thì phải thay đổi sang một cơ chế khác.
Điểm thứ 2, nếu, chuyển sang biểu 5 bậc, đề nghị nghiên cứu mức tăng vừa phải để vừa có lợi cho DN điện và có lợi cho người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Trước khi công bố cần có sự góp ý của cơ quan gồm các chuyên gia, nhà khoa học và có sự thẩm định của cơ quan có trách nhiệm về giá… thứ 3, nếu chuyển sang áp dụng theo 1 giá thì cũng phải xác định mức giá có cơ sở khoa học và thực tiễn, và theo ý kiến của tôi là không được vượt quá giá bán lẻ điện bình quân…”- PGS. TS Nguyễn Minh Duệ cho biết.
Trên các cơ sở phân tích về nguyên tắc tính giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá) đánh giá cao việc cầu thị của Bộ Công Thương khi đã rút lại phương án điện 1 giá đưa ra bởi chưa đủ các căn cứ khoa học, pháp lý.
Về phương diện xóa bù chéo trong các biểu giá điện sinh hoạt cũng như ngoài sinh hoạt, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: “Chính sách phát triển điện trong đó có chính sách giá của chúng ta yêu cầu là gì: một là phải góp phần thu hút đầu tư để phát triển nguồn và lưới điện; thứ 2 là góp phần vào việc bảo đảm nền kinh tế có cạnh tranh; Thứ 3 là phải thực hiện chính sách an sinh xã hội và thứ 4 là phải khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm…
Mặc dù Luật Điện lực nói là giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo nhưng tất cả các mục tiêu nó lại xung đột lẫn nhau thì làm sao xóa bù chéo được?Chúng ta muốn thực hiện chính sách một giá điện thì nhiều vấn đề ở trong Luật Điện lực là phải sửa, đặc biệt khi tới đây chúng ta tiến thêm một bước nữa đến thị trường điện cạnh tranh thì các nguyên tắc của giá điện là phải bỏ. Biểu giá là đúng pháp lý của Luật Điện lực, tất nhiên mức giá như thế nào là chúng ta phải bàn sau..”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện ngay trong năm sau là rất lớn thì rất khó để nói đến việc “điện dùng càng nhiều càng rẻ như các loại hàng hóa khác, bởi nguồn cung là cơ sở quan trọng để đáp ứng nhu cầu./.
Ý kiến ()