Ngày 18/4, giá dầu thế giới đã giảm nhanh chóng ngay sau khi các quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt trong cuộc họp tại Doha (Qatar) không đạt được thỏa thuận “giới hạn” sản lượng dầu mỏ nhằm khắc phục tình trạng dư cung trên thi trường – nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh trong thời gian dài vừa qua.
Tại thị trường châu Á, tính đến 8 giờ sáng giờ Hà Nội, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/2016 giảm 2,2 USD xuống còn 36,16 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent Biển bắc giao tháng 6 cũng giảm 2,23 USD (tương đương 5,17%) xuống còn 40,87 USD/thùng.
Trước đó, ngày 17/4, 18 nước khai thác dầu lớn của thế giới, ngoại trừ Iran, đã họp tại Doha để thảo luận về khả năng “giới hạn” sản lượng dầu thô nhằm vực dậy các thị trường dầu mỏ và đẩy giá dầu lên cao. Tuy nhiên, các bên tham gia đã không đạt được thỏa thuận sau 6 giờ đàm phán.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed bin Saleh al-Sada cho hay các nước khai thác dầu mỏ đều tuyên bố rằng họ cần “thêm thời gian.”
Trước cuộc họp này tại Doha, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo về sức tăng nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong năm nay và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm hơn nữa.
Dầu thô mất khoảng 60% giá trị kể từ giữa năm 2014 trong bối cảnh nguồn dư cung lớn mà nguyên nhân được cho là do hoạt động sản xuất dầu mỏ phi truyền thống tăng cao, trong đó có dầu khí đá phiến của Mỹ, và do OPEC từ chối cắt giảm sản lượng hồi tháng 11/2014.
Các nước sản xuất dầu đã bị thiệt hại hàng trăm tỷ USD, dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách lớn và phải buộc áp dụng các biện pháp khắc khổ, nhất là các nước vùng Vịnh./.
Ý kiến ()