Thứ Hai, 25/11/2024 01:37 (GMT +7)

Giá dầu thế giới đi lên

Thứ 3, 12/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch ngày 11/4 trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi phiên họp giữa các nước sản xuất dầu chủ chốt của thế giới dự kiến diễn ra vào ngày 17/4 tới tại Doha, Qatar.

Người dân đổ xăng tại thành phố Oklahoma City, Oklahoma, Mỹ.

Ảnh: AFP/TTXVN

Khép phiên 11/4, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Năm tăng 64 xu Mỹ lên 40,36 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Sáu tăng 89 xu Mỹ lên 42,83 USD/thùng.

Chuyên gia Bart Melek thuộc TD Securities cho biết, thị trường hiện đang tập trung chờ đợi phiên họp tại Doha, với kỳ vọng các bên sẽ đi đến một thỏa thuận hạn chế sản lượng.

Trong khi đó, theo Tim Evans, chuyên gia phân tích tại Citi Futures, tình trạng dư cung dầu thế giới có thể chưa chấm dứt do sản lượng khai thác dầu tại Nga và Iraq vẫn ở mức cao, giữa lúc Kuwait có kế hoạch tăng sản lượng vào cuối năm nay.

Giá vàng đang hướng đến mốc 1.300 USD/ounce

Giá vàng đã leo lên mức cao nhất của gần ba tuần trong phiên ngày 11/4, và đang hướng đến mốc 1.300 USD/ounce, trong bối cảnh nhà đầu tư tin tưởng môi trường lãi suất siêu thấp sẽ được duy trì.

Số liệu kinh tế yếu kém và chính sách tiền tệ chưa rõ ràng của Mỹ đã dẫn tới tâm lý “ngại” rủi ro của giới đầu tư, qua đó thúc đẩy họ tìm đến các tài sản an toàn như vàng hay đồng yen Nhật Bản.

Chốt phiên này, giá vàng giao tháng Sáu tăng 14,2 USD (1,14%) lên 1.258 USD/ounce. Trong khi đó, vào lúc 1 giờ 33 phút sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay được giao dịch ở mức 1.255,93 USD/ounce.

Kim loại quý này đã có lúc chạm mức 1.258,70 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 22/3. Tính theo đồng euro, giá vàng lần đầu tiên kể từ ngày 30/3 chạm mức 1.100 euro/ounce.

Trong quý I vừa qua, vàng đã chứng kiến một quý giao dịch tốt nhất trong gần 30 năm, khi những đồn đoán về khả năng Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong năm nay có xu hướng phai nhạt.

Chứng khoán Mỹ đi xuống

Khép lại phiên giao dịch ngày 11/4, sắc đỏ phủ ngập Phố Wall, trong bối cảnh giới đầu tư có dự cảm không tốt về mùa công bố báo báo lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ.

Cụ thể, tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% xuống khép phiên ở 17.556,41 điểm, chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đồng loạt thoái lui 0,3% và 0,4% xuống các mức tương ứng 2.041,99 điểm và 4.833,40 điểm.

Các chuyên gia tại S&P Capital IQ dự đoán thu nhập của 500 công ty S&P trong quý I/2016 sẽ giảm 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, sắc xanh bao phủ hầu hết các sàn chứng khoán châu Âu: Chỉ số DAX 30 của Đức tăng 0,6% lên 9.682,99 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,2% lên khép phiên tại mức 4.312,63 điểm; còn chỉ số EURO STOXX 50 tăng 0,4% lên 2.924,23 điểm.

Kết quả này có được là nhờ phản ứng tích cực của giới đầu tư trước thông tin Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng Hai vừa qua lần đầu tiên trong hai năm rưỡi tăng. Đà phục hồi của giá dầu cũng chi phối tâm lý của nhà đầu tư trong phiên này.

M.H, Kim Dung (Theo AFP, Reuters)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu